Nếu bài toán này được giải quyết, ngành Giáo dục sẽ chủ động điều chuyển giáo viên từ địa phương này sang địa phương khác để hạn chế thừa, thiếu cục bộ. Khi đó, ngành cũng tính toán được từng giai đoạn sẽ cần bao nhiêu nhà giáo để có kế hoạch đào tạo và tuyển dụng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Điều này phù hợp với xu thế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hiện nay.
Ngoài ra, để giáo dục là quốc sách hàng đầu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nhấn mạnh, chúng ta cần đặt vị trí nhà giáo đúng chỗ và tầm. Theo đó, cần xem xét đầy đủ, khách quan, khoa học để điều chỉnh hệ thống quy phạm pháp luật theo hướng giao tự chủ cho ngành Giáo dục về con người, cụ thể là vấn đề tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Muốn vậy, cần cụ thể hóa trong dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua.
“Nếu chúng ta đủ căn cứ lý luận và thực tiễn, có đánh giá tác động khoa học để thuyết trình thì tôi tin các đại biểu sẽ nhất trí thông qua dự án Luật Nhà giáo, trong đó có quy định về phân cấp tuyển dụng, sử dụng giáo viên”, bà Tăng Thị Ngọc Mai nhận định.
Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước. Trong khi đó, theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2026 phải thực hiện giảm 10% biên chế viên chức, tương đương với hơn 6 nghìn người; trong đó chủ yếu giảm biên chế sự nghiệp giáo dục. Ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT quan ngại, nếu tiếp tục thực hiện tinh giản theo quy định của Trung ương sẽ dẫn tới thiếu càng thêm thiếu giáo viên.
“Thực tiễn trên đòi hỏi tháo gỡ bằng các quy định cụ thể trong Luật Nhà giáo. Theo đó, cần có chính sách không giảm biên chế sự nghiệp giáo dục; thực hiện đúng chủ trương có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, ông Tạ Hồng Lựu đề xuất.
Tại Hội thảo triển khai định hướng biên soạn Luật Nhà giáo, ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, hơn 300 đại biểu tham dự hội thảo – hầu hết thống nhất quan điểm, xây dựng Luật Nhà giáo phải đảm bảo tháo gỡ được vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo mà địa phương đang gặp phải. Quy định Luật Nhà giáo độc lập với Luật Viên chức và cần tăng cường vai trò quản lý trực tiếp của ngành Giáo dục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo.
Trong 5 chính sách được Bộ GD&ĐT đề xuất trong dự án Luật Nhà giáo có chính sách tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo. Chính sách này sẽ khắc phục bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tuyển dụng vào ngành những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.