Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - ông Đào Công Lợi – cũng thông tin, những năm qua nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục của một số môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân hoặc lồng ghép vào một số môn học khác.
Thông qua các bài học thuộc mạch giáo dục pháp luật và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên các nội dung này chưa có tính hệ thống và tính xuyên suốt, đầy đủ các giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người. Các tài liệu và học liệu giảng dạy, học tập về quyền con người ở các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là tài liệu hướng dẫn lồng ghép còn thiếu. Vì vậy mà ảnh hưởng nhất định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.
Thông qua hội thảo này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An mong muốn sẽ thu thập, chia sẻ thông tin thông tin bao gồm cả lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng, triển khai các tài liệu về giáo dục quyền con người. Góp phần thực hiện hiệu quả nội dung giáo dục quyền con người ở cấp mầm non, tiểu học trong thời gian tới.
Đại biểu tham gia hội thảo trình bày nhiều tham luận, ý kiến tập trung vào nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người ở cấp mầm non và tiểu học. Ảnh: Hồ Lài. |
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các vùng miền của Nghệ An đã có nhiều phát biểu tham luận về nội dung, cách thức tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ theo đặc thù thực tiễn địa phương.
Các đại biểu biểu chia sẻ những vấn đề lý luận; đánh giá, chia sẻ thông tin thực tiễn, tập trung vào nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người ở cấp mầm non và tiểu học; tham chiếu kinh nghiệm trong nước cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc đưa nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người ở cấp mầm non và tiểu học.
Hội thảo cũng làm rõ luận cứ khoa học, thực tiễn và đề xuất các giải pháp nhằm đưa các nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người ở cấp mầm non và tiểu học ở nước ta trong thời gian tới.
Mục tiêu Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người. Tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
Theo kế hoạch được phê duyệt, đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Chương trình giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được xác định cụ thể cho từng cấp học và chương trình đào tạo.