Đối với các trường đại học, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu
Có chính sách về học bổng, học phí, ưu đãi tín dụng và các chính sách khác thúc đẩy người học quan tâm, kiên trì theo đuổi lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, TS Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, cần có quỹ Khoa học công nghệ, chương trình tài trợ nghiên cứu cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng cần đẩy mạnh liên kết giữa các trường đại học và khối phổ thông để triển khai các hoạt động giáo dục STEM. |
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng, với khối STEM, trường nào có có nhiều hợp tác với doanh nghiệp là một lợi thế. Nhà trường có một phòng máy được trang bị phần mềm thiết kế vi mạch Cadence theo chuẩn công nghiệp, có tất cả 15 licenses.
Nhờ vào chính sách hỗ trợ học thuật của một số hãng công nghệ lớn, sinh viên có thể tiếp cận các phần mềm thường được sử dụng trong đào tạo đại học… Về cơ bản, sinh viên sau khi học các môn học trên có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên lý thiết kế của vi mạch, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng đã chủ động, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực chip bán dẫn và các ngành công nghệ khác nói chung đến thành phố để hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, kể cả trong nghiên cứu thiết kế, đóng gói kiểm thử lẫn trong sản xuất, thương mại hóa sản phẩm”.
Tuy nhiên, theo như nhận xét của PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, nhà trường vẫn thiếu đội ngũ nhân lực chuyên sâu, chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu. Cơ sở vật chất chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ và thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu.
Vì vậy, Chính phủ và Bộ Kế hoạch đầu tư cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, phần mềm hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu. Cần có licenses dùng chung cho các trường đại học thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và riêng cho các trường đại học trọng điểm. Có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển như đặt hàng nhiệm vụ KHCN cho các Trường ĐH, Viện nghiên cứu trọng điểm.
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, cần đẩy mạnh chính sách thu hút người học. Trong đó, cần truyền thông để xã hội hiểu về ngành đào tạo và nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai; các trường đại học cần liên kết với khối phổ thông để đẩy mạnh giáo dục STEM, làm phong phú thêm nguồn tuyển sinh…
PGS.TS Trần Mạnh Hà, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần có chiến lược cấp quốc gia về công nghệ bán dẫn để huy động các nguồn lực lâu dài. Ngoài ra, cần bổ sung mã ngành cấp 4 cho ngành thiết kế vi mạch ở cả đào tạo đại học và sau đại học. Đẩy nhanh mở thí điểm ngành thiết kế vi mạch cho các trường đủ năng lực. Đặc biệt, cần có cơ chế xác định chỉ tiêu phù hợp cho ngành thiết kế vi mạch ở cả tuyển sinh đại học và sau đại học. Xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ phòng thí nghiệm dùng chung do kinh phí đầu tư rất tốn kém.
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam cho biết, hiện công ty có 200 bộ phần mềm để cung cấp cho đối tác như các cơ sở giáo dục đại học, học viện, doanh nghiệp. Ông Vinh gợi ý một số chính sách góp phần thu hút và nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn như cần đầu tư có trọng điểm và dài hạn cho các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đào tạo phần công cụ thiết kế. Các chính sách đầu tư có thể kể đến như ưu đãi về học phí, học bổng cho sinh viên; lương và phúc lợi cho giảng viên cũng như chuyên gia giảng dạy.. Hằng năm cần linh động lựa chọn môn học chung theo yêu cầu doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông về nhu cầu nhân lực cùng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, sử dụng nguồn tiền về thuế thu nhập để đầu tư về sáng tạo.