Thực hiện Chương trình mới cấp Tiểu học: Chú trọng đổi mới quản trị trường học

Nguyễn Dịu | 18/07/2022, 18:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiều 18/7, tại Quảng Ninh, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Đánh giá thực trạng và giải pháp thực hiện Chương trình GD phổ thông 2018 cấp tiểu học. TS Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì Hội nghị.

Theo TS Thái Văn Tài, để tổ chức thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 trong thời gian tới, cần chú trọng đổi mới trong quản lí, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; vận dụng sáng tạo nhiều giải pháp phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Dựa trên các văn bản đã hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy phù hợp.

Thực hiện Chương trình mới cấp Tiểu học: Chú trọng đổi mới quản trị trường học ảnh 2

Đại biểu tham dự Hội nghị.

Các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện để dạy học môn Tin học và tiếng Anh cho 100% học sinh lớp 3 trong năm học 2022-2023; chủ động các phương án cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn.

Để thực hiện tốt chương trình mới, các Sở GD&ĐT địa phương tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo biên soạn và tổ chức nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học; tổ chức thực hiện giáo dục STEM theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tuế- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh thông tin: Quảng Ninh có diện tích trải dài, nhiều huyện miền núi, hải đảo dân cư phân bố thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, đời sống kinh tế của đa số người dân còn nghèo, mặt bằng dân trí không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng gặp nhiều khó khăn. Ở một số địa phương có quy mô trường lớp ít, còn nhiều trường có nhiều điểm trường lẻ dẫn đến dàn trải trong đầu tư, lãng phí nguồn lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với yêu cầu, nhất là đối với các điểm trường vùng sâu, vùng xa khi bắt tay vào thực hiện chương trình SGK mới. Một số đơn vị có tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa cao hoặc một số đơn vị có sĩ số học sinh/lớp quá cao do chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn 1 phòng học/lớp hoặc chưa đảm bảo định biên giáo viên.

Đội ngũ giáo viên tiểu học chưa đảm bảo theo định mức về số lượng, cơ cấu; ở một số địa phương mặc dù còn chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng nhưng không có nguồn để tuyển. Việc cắt giảm biên chế viên chức hằng năm ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển dụng, bổ sung giáo viên của cấp học, trường có nhiều điểm trường lẻ cách xa nhau nên cũng khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần).

Năm học 2021 - 2022 là năm thứ hai triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học. Năm học diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến còn nhiều phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục; kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục có những thời điểm phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Một số cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh dành cho giáo dục cũng thay đổi, có tác động đến việc tổ chức các hoạt động của ngành, cấp học. Tuy nhiên cùng với những cố gắng nỗ lực của toàn ngành, cấp tiểu học của tỉnh đã rất tích cực khắc phục khó khăn thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 để bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học năm học 2021-2022, trong đó là thực hiện tốt việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1, lớp 2.

Thực hiện Chương trình mới cấp Tiểu học: Chú trọng đổi mới quản trị trường học ảnh 3

Để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, các nhà trường cần chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị theo hướng chủ động, linh hoạt.

Tuy nhiên, do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường tiểu học thực tế tại một số địa phương trong tỉnh Quảng Ninh chưa đáp ứng yêu cầu về số học sinh/lớp theo Điều lệ trường tiểu học, chưa đảm bảo diện tích sân chơi bãi tập cho học sinh; Một số trường khu vực miền núi vẫn còn có nhiều điểm trường... nên còn gặp khó khăn tổ chức các hoạt động giáo dục; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Việc cắt giảm biên chế giáo viên hằng năm đã làm ảnh hưởng đến biên chế, tuyển dụng giáo viên tiểu học để đảm bảo tỉ lệ dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, công tác tham mưu tuyển dụng giáo viên ở một số địa phương còn gặp khó khăn, có nơi thiếu nguồn tuyển dẫn đến thiếu giáo viên dạy bộ môn, nhất là giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học. Mặt khác tỉ lệ giáo viên/lớp hiện nay chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các khối lớp, toàn tỉnh mới đạt tỉ lệ trung bình 1,37 giáo viên tiểu học/lớp nên việc triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thuc-hien-chuong-trinh-moi-cap-tieu-hoc-chu-trong-doi-moi-quan-tri-truong-hoc-post601188.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thuc-hien-chuong-trinh-moi-cap-tieu-hoc-chu-trong-doi-moi-quan-tri-truong-hoc-post601188.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện Chương trình mới cấp Tiểu học: Chú trọng đổi mới quản trị trường học