GS Bùi Công Hiển cho biết, nọc ong có thể chữa được ung thư hay không, đến nay vẫn nằm trong các đề tài nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng của nọc ong chữa bệnh ung thư đã được công bố như nghiên cứu nêu trên. Nọc độc của ong trong đó có một loại hợp chất có tên melittin được sử dụng để chống lại loại ung thư khó điều trị là ung thư vú. Dù vậy đến nay chưa có những chế phẩm nọc ong thương mại để chữa bệnh ung thư được sử dụng rộng rãi.
Nọc ong có thành phần hóa học vô cùng phức tạp. Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa phân tích được đầy đủ các chất bên trong loại nọc độc này. Người ta thường biết đến nọc ong với các thành phần chính là axit fomic, peptide, albumin và melittin. Nọc ong có tỷ trọng 1.131, pH 5.5 trong nước, phản ứng axit.
Trong nọc ong có lưu huỳnh, tryptophan, cholin, octophotphoric có histamin, axit clohydric và axit formic. Khoảng 50% nọc độc ong chứa axit amin có tác dụng kháng khuẩn, chống virus, ung thư.
Bên cạnh đó, thành phần các peptide apamin và adolapin có đặc tính giảm đau, chống viêm hiệu quả. Nọc ong có tính chất kháng sinh mạnh, giảm hoạt tính dưới tác dụng của các chất oxy hóa và kali – permanganat.
Tự cho ong đốt có thể mất mạng
Theo GS Bùi Công Hiển, để lấy nọc ong, trong một đàn ong, người ta đặt một bảng phiến nhôm vào giữa khe của 2 cầu ong và cho dòng điện rất yếu chạy qua để kích thích các con ong thợ đốt tiết ra nọc ong.
Dưới đáy thùng ong đặt một tấm kính trong nhằm gây kích ứng ong và theo phản xạ ong sẽ tấn công lại để bảo vệ tổ của mình bằng cách đốt nhẹ lên mặt tấm kính và tiết ra một lượng nhỏ nọc độc.
Khi mỗi con ong tiết ra nọc ong, nó cũng tiết ra pheromone là tín hiệu kích thích các con ong khác cùng đốt trên tấm kính. Nọc độc dính vào tấm kính. Sau đó tấm kính được lấy ra khỏi tổ ong và nọc độc thô trên tấm kính được thu gom lại để làm tinh khiết hơn.
Nọc ong thô được tinh chế đơn giản bằng cách hòa tan trong nước cất, lọc bỏ cặn bẩn không tan, sau đó đem đông cô ở -20 độ C sẽ thu được nọc ong tinh sạch. Phương pháp thu nọc ong này không làm chết ong, dễ dàng loại bỏ các tạp chất và dễ dàng thu được sản phẩm rất quý giá trong đàn ong. Tuy vậy giá bán 1 kg nọc ong còn đắt hơn 1 kg vàng. Và người nuôi ong ở Việt Nam chưa khai thác được nọc ong thương phẩm.
Ở Việt Nam, các nhà côn trùng học ghi nhận được khoảng 50 loài côn trùng có thể sử dụng trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, việc sử dụng côn trùng trong y học cổ truyền phần lớn dựa vào kinh nghiệm. Các loài côn trùng được sử dùng làm dược liệu trong các tài liệu kinh điển là bọ hung, bọ ngựa, sâu dâu, sâu đá, tằm, tò vò, ve sầu, rệp, ong mật…
Hiện nay những vị thuốc là côn trùng có mặt ở hầu hết các hiệu thuốc y học cổ truyền cũng như trong danh mục dược liệu thường dùng ở các khoa, bệnh viện y học cổ truyền trong toàn quốc.
"Cần lưu ý rằng sử dụng nọc ong có những tác dụng chữa bệnh nhất định, nhưng phải là loại nọc ong được chiết xuất và sử dụng đúng liều lượng. Nhiều người cho ong châm trực tiếp để chữa bệnh là rất sai lầm, dễ nguy hiểm đến tính mạng mà không có bất cứ tác dụng chữa bệnh nào", GS Bùi Công Hiển cho biết.