Khảo sát được tiến hành hai đợt (trước khi sinh viên tốt nghiệp một tháng và sau đó một hoặc hai năm). Trường ĐH Công Thương TPHCM cũng bố trí đội ngũ nhân sự đến 40 - 50 người lo công tác khảo sát đối với 100% sinh viên, mỗi năm 2 đợt. Đơn vị đào tạo có trách nhiệm kiểm tra tình trạng khảo sát của sinh viên tốt nghiệp trước khi phát chứng nhận hoặc cấp bằng.
Tuy vậy, liên quan đến khảo sát tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên, nhiều trường chỉ công bố kết quả cuối cùng và thường căn cứ trên số phản hồi chứ không phải tổng sinh viên. Mẫu khảo sát không đủ lớn nên không bao quát, tỷ lệ phản hồi thấp.
Đó là chưa kể, quan điểm về có việc làm các trường khác nhau. Có trường chấp nhận công việc được ký kết hợp đồng; trường chấp nhận làm gì cũng được, miễn có thu nhập; trường lại chấp nhận có việc làm với người đang học lên cao… Một số trường tiết kiệm chi phí nên không có đội ngũ chuyên nghiệp phụ trách, giao việc cho khoa, khoa khoán cho lớp trưởng các lớp mới ra trường, gần như không có cơ chế kiểm chứng thông tin về số liệu.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm của nhiều trường cao là tín hiệu đáng mừng thể hiện việc đào tạo đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, song đó phải là con số thực chất. Nếu cung cấp số liệu ảo cho đẹp thì gây nhiều hệ lụy, đặc biệt là dự đoán sai về nhu cầu lao động, phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh. Thực tế cho thấy khá nhiều thí sinh chọn ngành nghề “hot”, nơi công bố tỷ lệ ra trường có việc làm cao để theo học, nhưng sau đó “vỡ mộng” vì tất cả không như thông tin trước đó.
Để tỷ lệ việc làm là con số thực chất, rất cần cơ chế lọc tỷ lệ ảo. Trước hết, các trường cần có minh chứng rõ ràng, thực chất để xã hội tin tưởng. Cơ quan quản lý cũng cần cơ chế kiểm tra, giám sát, chế tài đối với những công bố ảo. Về lâu dài, khảo sát việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp cần một đơn vị độc lập thực hiện để tạo sự khách quan, bảo đảm các số liệu thực sự có ý nghĩa thống kê.