Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ đã đạt đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn.
Dự luật của Thượng viện sẽ đảm bảo chính phủ Mỹ có đủ ngân sách hoạt động đến ngày 17/11. Ngoài 6,2 tỷ USD được phân bổ để hỗ trợ Ukraine, Thượng viện cũng dành 6 tỷ USD để chính phủ đối phó thiên tai.
Hiện chưa rõ Chủ tich Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy có tán thành với dự luật chi tiêu mà Thượng viện thông qua hay không. Các nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện có lập trường cứng rắn hơn và không dễ thỏa hiệp như ở Thượng viện. Dự luật cần được Hạ viện thông qua để trình Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật trước thời hạn chót là ngày 30/9.
"Khi chúng ta có một Tổng thống quan tâm đến vấn đề Ukraine hơn cả vấn đề của nước Mỹ thì chúng ta đang gặp phải rắc rối", Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Chip Roy nói, ám chỉ ông Biden.
Trong hơn 1,5 năm, Mỹ đã hỗ trợ Ukraine tổng cộng hơn 110 tỷ USD, bao gồm 49,6 tỷ USD hỗ trợ quân sự, 28,5 tỷ USD hỗ trợ kinh tế, 13,2 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo và 18,4 tỷ USD được dùng để thúc đẩy năng lực sản xuất quốc phòng của Mỹ.
Tính đến ngày 9/8/2023, Nhà Trắng nói Mỹ đã chi hơn 91% ngân sách dùng để hỗ trợ Ukraine. Trong số 24 tỷ USD ngân sách mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất, khoảng 14 tỷ USD được dùng để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ trung bình hỗ trợ Ukraine với tổng giá trị khoảng 6,8 tỷ USD/tháng, bao gồm các khoản trả lương cho chính phủ và quân nhân Ukraine. Nếu chỉ tính riêng viện trợ quân sự, con số này là 2,7 tỷ USD/tháng.
Mức ngân sách 6,2 tỷ USD mà Thượng viện thông qua được dự đoán là không đủ để Mỹ duy trì hỗ trợ Ukraine trong 2 tháng và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải tính toán lại mức hỗ trợ.
Trước đó, Mỹ dự định sử dụng ngân sách đề xuất ở mức hơn 24 tỷ USD để tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến hết năm 2023.