Cơ sở hạ tầng và chương trình đào tạo trong các trường đại học châu Phi hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của người học. |
Việc tuyển dụng nhân tài châu Phi làm từ xa có thể mở ra doanh thu trị giá hàng tỷ đô la cho các tổ chức toàn cầu, đồng thời khai phá tiềm năng và xây dựng tầm nhìn cho hàng triệu thanh niên châu Phi. Hiện nay, Kenya đã đưa lập trình vào môn học bắt buộc từ cấp tiểu học, THCS để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu trên.
Nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục châu Phi còn hướng đến việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai khi lục địa này nằm trong nhóm gia tăng dân số nhanh nhất thế giới. Tốc độ gia tăng dân số năm 2021 tại châu Phi là 2,45%. Lục địa này hiện có 450 triệu người trong độ tuổi lao động.
Trong khi đó, thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân sự, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, khi nhiều quốc gia phát triển bước vào già hóa dân số. Chỉ riêng tại Mỹ, 920.000 vị trí làm việc trong lĩnh vực CNTT chưa thể tuyển dụng. Năm 2020, chưa đến 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính nhưng nhu cầu trong lĩnh vực này là 500.000 người.
Các nỗ lực như nâng cao tay nghề, đào tạo lại... không đủ để giải quyết nhu cầu thiếu hụt trên. Do đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp lấp đầy vị trí bằng cách tuyển dụng nhân sự từ xa, thậm chí trên phạm vi toàn cầu. Trước tình hình trên, nguồn lao động trẻ, dồi dào tại châu Phi được hướng đến là “cứu cánh” cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn chung, châu Phi đã và đang cải thiện hệ thống giáo dục phổ thông nhưng còn giáo dục đại học, nơi sẽ tiếp nhận và đào tạo hàng triệu thanh niên nước này vẫn chưa được quan tâm đúng mực.
Những lý do phổ biến có thể kể đến như cơ hội giáo dục bị hạn chế. Ở nhiều ngành nghề, chương trình giảng dạy chưa đủ để đào tạo ra nguồn lao động đáp ứng nhu cầu việc làm, đơn cử trong ngành Khoa học Máy tính.
Tiếp đó, hệ thống trường đại học thiếu cơ sở hạ tầng với giá cả phải chăng. Wifi, điện và chi phí duy trì những nguồn năng lượng trong các trường học là thách thức lớn. Châu Phi hiện là lục địa có chi phí Internet đắt nhất thế giới. Điều này cản trở khả năng học tập và tiếp cận công nghệ thông tin của người học.
Vì vậy, nhiều quốc gia nhìn nhận về giáo dục đại học tại châu Phi qua lăng kính tương đối đặc biệt là thị trường tiềm năng để khai thác giáo dục quốc tế, thay vì hỗ trợ lục địa này cải thiện hệ thống giáo dục.
Ví dụ tại Vương quốc Anh, sinh viên đến từ Nigeria là nhóm du học sinh châu Phi đông đảo nhất với gần 60 nghìn người. Nhóm này đóng học phí cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, sinh viên trong nước, từ đó, đóng góp phần vào kinh tế Vương quốc Anh. Ở nhiều quốc gia châu Âu khác, số lượng sinh viên đến từ châu Phi tương đối đông đảo.
Với tình trạng giáo dục đại học trong nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc sinh viên châu Phi tìm đến các nền giáo dục chất lượng cao là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, bà Pauline Essah, Giám đốc nghiên cứu của tổ chức giáo dục Education Sub-Saharan Africa cho rằng chính phủ các nước cần đảm bảo du học sinh có lộ trình trở về và đóng góp tài năng cho quốc gia, địa phương mình.
“Sự hợp tác giữa sinh viên châu Phi và các trường đại học trên thế giới nên trở thành quy trình ‘tái tuần hoàn’ hơn là chảy máu chất xám. Thanh thiếu niên có thể đi du lịch, học hỏi nhưng các quốc gia hãy tìm cách tạo động lực cho họ trở về và xây dựng đất nước”, bà Pauline Essah nhận định.