Khối tài sản gia đình tỷ phú Bùi Thành Nhơn tăng mạnh cùng đà phục hồi của cổ phiếu NVL
Đà tăng mạnh của NVL đến sau loạt thông tin tích cực về quá trình tái cấu trúc và gia hạn trái phiếu. Theo đó, Novaland gia hạn lô trái phiếu 7.000 tỷ đồng thêm 1 năm. Như vậy, Novaland sẽ có thêm một năm để xoay sở dòng tiền trả nợ các lô trái phiếu này. Trước đó, công ty này cũng gia hạn thành công 2 lô trái phiếu có mã NVLB2123012 và NVLH2123010, tổng giá trị 2.300 tỷ đồng.
Theo thông tin lãnh đạo Novaland báo cáo trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa diễn ra tuần trước, tổng trái phiếu bán lẻ giai đoạn 2023-2024 của công ty còn 8.854 tỷ đồng (năm 2023 còn lại 6.632 tỷ đồng, năm 2024 còn 2.222 tỷ đồng).
Novaland đã hoán đổi được khoảng 1.000 tỷ đồng và gia hạn được khoảng 1.500 tỷ đồng. Số dư trái phiếu giai đoạn 2023-2024 còn lại sau đàm phán là trên 6.200 tỷ đồng (năm 2023 còn lại 5.500 tỷ đồng, năm 2024 còn khoảng 750 tỷ đồng). Như vậy, trong thời gian 6 tháng (từ quý IV/2022 và quý I/2023), Novaland đã giảm được 9.000 tỷ đồng nợ vay.
Cùng với đà phục hồi của cổ phiếu NVL, khối tài sản của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn cùng vợ và con trai cũng tăng mạnh. Theo đó, với việc đang nắm trực tiếp hơn 225,7 triệu cổ phiếu NVL, khối tài sản gia đình tỷ phú Bùi Thành Nhơn ghi nhận tăng thêm hơn 135 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, nhà Chủ tịch NVL đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 3.521 tỷ đồng.
Sau phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 29/6, chuyên gia của chứng khoán Vietcap dự báo nhóm vốn hóa lớn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo lực kéo giúp chỉ số VN-Index chạm vào vùng kháng cự mạnh tại 1.145-1.150 điểm. Tại đây, sự giằng co có thể sẽ diện ra mạnh hơn ngay cả tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Diễn biến này có thể sẽ ảnh hưởng mạnh hơn đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, vốn đang cho thấy sự suy yếu. Trong trường hợp HNX-index đóng cửa dưới 230 điểm, chỉ số này sẽ đánh mất tín hiệu Tích cực ngắn hạn.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cũng cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định mức 1.145 điểm. Đồng thời, Yuanta vẫn đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức cao cho nên thị trường có thể sẽ liên tục xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh trong phiên, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang tiếp tục suy yếu. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang đóng vai trò dẫn dăt thị trường, nhưng Yuanta lưu ý đây là tuần chốt NAV quý 2/2023 cho nên động lực tăng giá của thị trường phần lớn vẫn đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và hạn chế mua mới.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên 29/06, chỉ số VN-Index có thể giao dịch giằng co trong phiên sáng, giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.130-1.135 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.140-1.145 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Lạc quan hơn, chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá VN-Index đã chạm mốc 1.140 tương đương với mốc 0.5 của thang đo Fibonacci mở rộng. Nếu vượt qua được mốc điểm này thì xác suất cao VN-Index sẽ tiếp tục hướng lên khu vực 1.170 tương ứng với mốc 0.618 của thang đo nói trên.
Với diễn biến phân hóa của thị trường, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên chủ động cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm số mã nắm giữ và chỉ nên duy trì tỉ trọng lớn đối với các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền và có diễn biến giá tích lũy chặt chẽ như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ.