Tiếng thương đau nhói trong lòng

12/10/2023, 07:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cuộc đời mỗi người, mấy ai mà chưa một lần được nghe tiếng gọi yêu thương (mẹ ơi, cha ơi, mình ơi, con ơi…) từ sâu thẳm trái tim.

Ngọt ngào, tha thiết, lời thương đó mang đến trong ta xúc động, bổi hổi. Đêm thu thanh vắng, nghẹn ngào trong tiếng gọi “Cải ơi!” của người cha tội nghiệp, tôi xót xa cho tiếng thương đau nhói trong lòng.

Nhà văn của những phận người nổi trôi

Văn đàn Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, có lẽ Nguyễn Ngọc Tư là cây bút nữ nổi danh bậc nhất. Tên tuổi của nhà văn quê ở Đầm Dơi - Cà Mau đã vươn xa khỏi miền Tây mênh mông sông nước, chiếm trọn trái tim yêu của không ít bạn đọc trong và ngoài nước.

Kể từ tập truyện đầu tay “Ngọn đèn không tắt” (2000) ra mắt độc giả đến nay, sau hơn hai mươi năm theo nghiệp cầm bút, Nguyễn Ngọc Tư xuất bản gần ba chục đầu sách, đủ các thể loại: Truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, thậm chí cả thơ ca. Chừng ấy sáng tác, đủ để người đời mến phục sức sáng tạo bền bỉ, dồi dào của cây bút văn chương mang nặng ân tình với cuộc đời, con người.

Những truyện ngắn như: Giao thừa, Cánh đồng bất tận, Biển người mênh mông, Đời như ý, Duyên phận so le, Cải ơi… tựa như “điệu buồn phương Nam”, luôn ám ảnh trong tâm trí mọi người. Lần theo từng trang viết, không khó để khẳng định, truyện của Nguyễn Ngọc Tư có một giọng điệu riêng, độc đáo, chẳng thể nào lẫn lộn.

Ấm áp, chân tình, luôn khắc khoải, trăn trở suy tư và đầy tâm trạng, mỗi trang văn của Nguyễn Ngọc Tư luôn đau đáu cùng những phận người bé nhỏ, nổi trôi trong lấm láp cuộc đời. Mỗi trang văn là tiếng thương cay xót của cây bút văn chương nặng lòng trắc ẩn.

Một sự việc đáng tiếc

“Cải ơi” là một trong số những truyện ngắn hay, xúc động của Nguyễn Ngọc Tư lưu giữ mãi nơi tâm trí người đọc. Tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 11, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống để học sinh thực hành đọc, củng cố mở rộng chủ đề “Câu chuyện và điểm nhìn trong truyện kể”.

Dõi theo câu chuyện, chắc hẳn người ta sẽ nhận thấy, tất cả những dằn vặt, khổ đau và cả hành trình tìm kiếm đứa con gái trong vô vọng của người cha tội nghiệp Năm Nhỏ đều bắt đầu từ một sự việc đáng tiếc.

Đứa con gái riêng của vợ là Cải bỏ nhà đi, không quay trở lại sau một bữa mê chơi làm mất đôi trâu. “Tình ngay lí gian”, sự thật ông Năm chẳng làm chuyện sai trái, tội lỗi, song cái tiếng Cải là con riêng của vợ, chẳng phải một khúc ruột liền đẩy Năm Nhỏ vào tình huống oái oăm. Bà vợ “khóc lên khóc xuống”, nghi ngờ ông “ngược đãi, hà khắc, đuổi xua” con bé, “giận chẳng nhìn, chớ thèm cười nói”.

“Người ta còn đồn đãi ông giết con nhỏ rồi lấp ở một chỗ đất nào”. Ôi chao! Miệng lưỡi nhân gian, tréo ngoe nước mắt cũng từ đây. Tội nghiệp biết bao. Để gột rửa những hoài nghi độc địa của người, của đời, ông Năm Nhỏ “khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh dứt khoát tìm được con Cải về”.

Từ đó, hành trình kiếm tìm của yêu thương và tự trọng bắt đầu. Tiếng gọi tìm con “Cải ơi” vang lên giữa biển đời mênh mông cứ thế ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí người đọc, cảm thương, đau xót cho người đàn ông “có nhà mà không về được”.

Khổ mấy cũng tìm con

Còn gắng giữ, mất đừng tìm, lẽ đời nhiều người sống vậy, nhẹ tênh. Song với Năm Nhỏ, người cha tội nghiệp không tìm không được, danh dự một chút, yêu thương cực nhiều, khổ đau mấy cũng chịu, những tháng ngày lay lắt, những tháng ngày khổ nhục, có hề chi với người cha mang trong mình trái tim thăm thẳm yêu thương khao khát tìm con.

Thoạt đầu, “ông xin làm sai vặt trong đoàn ca múa nhạc”, đâu phải chỉ để mưu sinh, quan trọng là trước giờ diễn, ông mượn cái micro nói vài câu: “Cải ơi, ba là Năm nhỏ nè con”. Hi vọng chưa nhen đã vụt tắt, đoàn ca múa nhạc giải tán, cái “lắc đầu, thở dài, nghe buồn xao xác như lá rụng hoa rơi” của người cha tìm con sao mà tội nghiệp.

Không từ bỏ, ông Năm Nhỏ trụ lại ngã ba Sương, tiếp tục cuộc kiếm tìm con gái. Lời văn của Nguyễn Ngọc Tư buồn đến nao lòng: “Ngã ba Sương nhiều đêm thổn thức trong tiếng “Cải ơi!!!...”, nghe ngắc ngoải như tiếng chim kêu tao tác giữa lưng trời”. Hai chữ “ngắc ngoải” được sử dụng thần tình, nói đúng cái tình trạng thoi thóp, lắt lay của người cha cơ khổ tìm con.

Phòng trọ nhỏ như hộp quẹt, chiếc xe kẹo kéo… tất cả nói đủ cái khổ của ông Năm nơi ngã ba chợ nghèo buồn. Song buồn mấy, tủi cực mấy, nước măt có chảy ngược, người cha tội nghiệp đó vẫn miệt mài tìm con.

Đọc những câu văn trong đoạn ngã ba Sương này, nhiều người rớt nước mắt sau cái trò diễn oái oăm của cô gái Diễm Thương với ông Năm Nhỏ, tiếng gọi “Ba” của cô gái khuôn mặt “bình thản, lạnh trơ” tưởng như khoảnh khắc vỡ òa hạnh phúc, tiếc là nước mắt lại đầy thêm sau chuyện đùa cay xót, ông Năm “nằm rũ, đúng hai ngày lời nhắn tìm con Cải lại mênh mang ở ngã ba Sương”.

Những tháng ngày tìm con nơi hang cùng ngõ hẻm của người cha quả thật gian nan, cứ như mò kim đáy bể, muôn nẻo biệt tăm. Và rồi, sau khi biết Diễm Thương lên tivi tìm cha mẹ, ông Năm Nhỏ “lặng người đi, tự hỏi, bây giờ ông lên tivi, con Cải có nhận ra ông không”.

Lẽ đời, vô vọng thì níu kéo, dẫu rằng, một phần nhỏ hi vọng vẫn chưa thôi, người cha “có nhà mà không về được” kia đã làm một việc xưa nay hiếm, tự biến mình thành “tên trộm đãng trí”. Đúng là tính quẩn, lo quanh, nhưng với ông Năm Nhỏ, đây là phương cách để níu kéo hi vong, ước ao tiếng gọi thương đau đến được nơi cần đến. Ai đời nào, trộm trâu mà quay lại nhà mất trâu để bán.

Thì ra, sự bất thường cốt để ông Năm cất tiếng tìm con rưng rưng nước mắt: “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội mà con vò võ một mình. Con là trọng, chứ đôi trâu cộ nhằm nhò gì… Về nghen con, ơi Cải...”.

Vậy đấy, sau hành trình tìm con đẫm nước mắt đó, người đọc nhận ra sau tấm thân còm cõi, “ốm dữ dằn” là trái tim yêu thương con vời vợi của người cha. Bao dung, độ lượng, giàu tự trọng, thương con, những phẩm chất tuyệt vời ấy cứ thế ngời lên trong trân trọng mến yêu của người đời. Ở nhân vật ông Năm Nhỏ trong câu chuyện giản dị xúc động của Nguyễn Ngọc Tư, dường như người ta tìm thấy vẻ đẹp, cốt cách của người dân Nam Bộ đáng trọng, đáng yêu.

Phim Cải ơi dựa trên truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư. ảnh 1
Phim Cải ơi dựa trên truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư.

Nghệ thuật truyện ngắn đặc sắc

Truyện ngắn là thể loại tự sự cỡ nhỏ, sức hút của truyện ngắn được tạo nên chỉ bởi một lát cắt của dòng chảy đời sống, và sau lát cắt đó là bức tranh đời sống, hình tượng nhân vật, những trăn trở, suy tư của người cầm bút về sự đời, con người trong cõi nhân sinh. Cốt truyện của truyện ngắn “Cải ơi” có thể thâu tóm bằng bốn chữ: Bỏ đi - tìm kiếm.

Diễn biến câu chuyện có vậy, song cái tài của người viết là biết chọn điểm nhìn để quan sát, trần thuật. Kì thực, hệ thống điểm nhìn trong truyện rất linh hoạt. Thoạt đầu, người đọc cứ ngỡ, truyện được kể bởi điểm nhìn bên ngoài, người kể dẫn người đọc đến chuyện đứa con bỏ đi, người cha đi tìm, rồi chuyện về Thàn, chuyện Diễm Thương, những cảnh đời lưu lạc bám víu nương tựa vào nhau…

Thế nhưng, ngẫm lại, dường như người kể đứng từ điểm nhìn bên trong, kể và tả xuyên qua cảm nhận, ý thức nhân vật, thành thử kể chuyện người mà ngỡ như chuyện mình, ẩn trong trang văn là niềm đồng cảm, thấu hiểu của người kể với nỗi lòng nhân vật. Nói cách khác, người kể dường như đứng trên lập trường nhân vật để đối thoại, giải quyết tình huống, bộc lộ nỗi lòng.

Đọc mấy câu văn trong đoạn cô bé Diễm Thương giả diễn làm cái Cải, dấu ấn điểm nhìn bên trong được thể hiện rõ nét. “Một bữa Diễm Thương bước ra, thảng thốt gọi “Ba”. Ông già đứng im sững, ngơ ngác giây lát, môi run lập bập hỏi Cải phải hôn con. Thiệt con là Cải hả? Ông già nắn đầu, nắn vai nó với một nỗi vui chảy tràn, trời đất, ba nhìn không ra...”. Sự kết hợp giữa lời kể của tác giả và lời của nhân vật mang lại hiệu quả đặc biệt.

Dường như, người kể chuyện đã hòa vào tâm trạng, cảm xúc của nhân vật từ đó thốt ra những câu hỏi nhói lòng, vui sướng rồi hụt hẫng xót đau “nước mắt tuôn dài”. Cách trần thuật độc đáo từ điểm nhìn bên trong không chỉ phản ánh tâm lí nhân vật mà còn thể hiện thông điệp sâu xa người viết muốn truyền tải.

Đọc “Cải ơi”, người ta dễ dàng nhận thấy, truyện được kể theo ngôi thứ ba - người kể chuyện ẩn danh. Người viết đặt hoàn cảnh của mình vào từng nhân vật mỗi khi bắt đầu kể về sự kiện nào đó. Bởi thế, những cuộc đối thoại trong truyện hiện lên đều mang theo tính cách, hoàn cảnh mỗi nhân vật:

Ông Năm Nhỏ người cha nghèo, giàu tự trọng, rất mực thương con; Thàn lưu lạc, nghèo khó, ước mơ dang dở mà nặng nghĩa sâu tình; Diễm Thương bị cha mẹ bỏ rơi, bề ngoài lạnh lùng mà khao khát yêu thương. Mỗi nhân vật, một cảnh đời, gần gũi, chân thực, như ta thường gặp đâu đó giữa dòng đời bươn chải.

Truyện ngắn “Cải ơi” mang một giọng điệu trần thuật rất riêng, mang đậm dấu ấn Nguyễn Ngọc Tư, trầm tĩnh, pha chút chua xót, đắng cay, buồn thương khắc khoải. Trật tự cốt truyện được xáo trộn, đang hiện tại, thoắt ngược về quá khứ mười hai năm về trước, rồi lại trở về hiện tại nơi ngã ba Sương người cha lắt lay đủ cách để tìm con.

Cách tổ chức kể chuyện phá vỡ trật tự của câu chuyện như vậy đã tạo nên một nét độc đáo trong cách trần thuật của tác giả. Không theo một quy luật thông thường, diễn biến của truyện khi ở hiện tại, khi ở quá khứ càng làm nổi bật lên niềm mong mỏi, đau đáu của một người cha yêu con hết lòng hết dạ, luôn khao khát tìm được đứa con gái yêu quý của mình. Đó là tình yêu thương giản dị, mộc mạc chan chứa niềm đau của một người cha, người đọc sẽ không khỏi rưng rưng khi dõi theo câu chuyện của ông Năm Nhỏ.

Tấm lòng người cầm bút

Văn chương là câu chuyện của tấm lòng, ẩn sau trang văn, người đọc cảm nhận được ân tình của người nghệ sĩ. “Cải ơi” là một câu chuyện buồn, người đọc dõi theo hành trình tìm con nơi hang cùng ngỏ hẻm của ông Năm Nhỏ chờ đợi cái kết cổ tích. Song mong ước chỉ là mong ước, đời có khi nào như ý, chỉ biết tiếng gọi “Cải ơi” cứ vô vọng, biệt tăm.

Kể câu chuyện buồn đó, người viết mang đến cho người đọc một cảnh đời nhiều nước mắt, buồn đau. Miệng lưỡi thế gian, ánh mắt ngờ vực của người vợ đẩy ông Năm Nhỏ vào tủi cực nổi trôi, có nơi đi mà đâu thể trở về, càng cố bao nhiêu càng tuyệt vọng bấy nhiêu. Câu chuyện nhỏ, bài học lớn, bài học về cách ứng xử của con người trong đời sống.

Khép lại câu chuyện buồn, Nguyễn Ngọc Tư bộc lộ tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Đồng cảm, xót thương cho những phận người lưu lạc nơi đầu ghềnh cuối bãi, nghèo khổ đắng cay. Đặc biệt, chị đã tìm thấy hạt ngọc nơi bề sâu tâm hồn những phận người trôi dạt mà tốt bụng, sâu nặng yêu thương, sống là cho, là thương, đâu chỉ có riêng mình.

Đêm sâu thăm thẳm, tôi cứ nghe đâu đây tiếng gọi con trong khắc khoải nhớ thương. “Cải ơi!”, tiếng thương cứ ám ảnh mãi trong tôi, chỉ ước sao cuộc đời này bớt đi cay cực, để đâu đó không còn những người cha, người mẹ đau đáu chờ con trong mắt lệ rưng rưng nơi thềm vắng buồn tênh. Trang văn khép lại, Nguyễn Ngọc Tư gieo vào lòng người bao trăn trở nghĩ suy về những chuyện đời, phận người khổ đau vẫn ngời sáng lương tri.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếng thương đau nhói trong lòng