Đề án nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên tinh thần khởi nghiệp, từng bước hình thành văn hóa khởi nghiệp đối với thế hệ trẻ.
Chiều 11/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo khoa học “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 và định hướng xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2026-2035”.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035.
Mục tiêu của Đề án nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên tinh thần khởi nghiệp phù hợp với từng lứa tuổi, từng bước hình thành văn hóa khởi nghiệp đối với thế hệ trẻ gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, hình thành phương pháp học tập mới thông qua các dự án khởi nghiệp.
Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa khởi nghiệp sáng tạo vào mục tiêu sứ mệnh, tầm nhìn của đơn vị; 100% các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục phổ thông có chương trình truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Hình thành đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các trường đại học. Mỗi cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tối thiểu từ 1 cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp/500 sinh viên; Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông có tối thiểu 1 cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm/1000 học sinh có đủ tiêu chuẩn thực hiện công tác tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp.
Hằng năm hỗ trợ triển khai 50 dự án khởi nghiệp từ các ý tưởng khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên. Mỗi cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ươm tạo tối thiểu 2 doanh nghiệp khởi nguồn hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp. Tỷ trọng doanh thu từ các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt tối thiểu 5% doanh thu.
Hằng năm hỗ trợ triển khai 70 dự án khởi nghiệp từ các ý tưởng khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên. Mỗi cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ươm tạo tối thiểu 5 doanh nghiệp khởi nguồn hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp. Tỷ trọng doanh thu từ các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa đạt tối thiểu 10% doanh thu...
Hội thảo được nghe các tham luận về kinh nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Phần Lan, kinh nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Singapore và khuyến nghị cho Việt Nam giai đoạn 2026-2035; đề cập đến vai trò công ty holdings thuộc cơ sở giáo dục đại học phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thời đại toàn cầu hoá và chuyển đổi số.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai xây dựng các hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học và đề xuất giải pháp đột phá thúc đẩy khởi nghiệp trong các đại học giai đoạn 2026-2035; kinh nghiệm triển khai công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học trong triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và định hướng triển khai giai đoạn mới.
Nhằm thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển và bền vững hơn, nhiều đề án đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” , Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” ban hành theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.