Tiết học thực địa tại bảo tàng: Thổi hồn cho môn Lịch sử

Vân Anh | 21/05/2022, 13:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để môn Lịch sử cuốn hút học sinh, một trong những phương pháp giảng dạy tích cực được nhiều trường thực hiện là tổ chức các buổi học ngoại khóa tại bảo tàng.

Học sinh tham quan bảo tàng để học lịch sử tốt hơnHọc sinh tham quan bảo tàng để học lịch sử tốt hơn

Cô Trần Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho biết: Nhận thức rõ vai trò của giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, việc dạy học môn Lịch sử tại trường không chỉ được chú trọng trong các tiết học trên lớp, mà còn thể hiện rất rõ trong các tiết học thực địa tại bảo tàng.

Từ nhiều năm qua, nhất là trong các năm dịch Covid-19 bùng phát, ban giám hiệu đã kết nối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tổ chức giờ học lịch sử trực tuyến cho học sinh. Nhiều thông tin về chủ đề “Tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời kỳ Tiền sử đến năm 938” được cô Nguyễn Hà - giáo viên phụ trách dạy học giờ lịch sử bảo tàng giới thiệu với các em trong buổi học đầu tiên này. Học sinh hào hứng và phấn khởi khi được tìm hiểu về lịch sử, đặc trưng cơ bản về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nguyên thủy trên mảnh đất Việt Nam.

Đặc biệt, các em được xem phim hoạt hình “Trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938” và các hiện vật trưng bày tại bảo tàng với những hình ảnh 3D sống động. Những thông tin bổ ích đã khơi gợi trong các em niềm tự hào dân tộc, truyền thống quê hương đất nước, khơi gợi tinh thần ham học, ham hiểu biết.

Trong quá trình tham gia tiết học, học sinh được tương tác, bày tỏ ý kiến, nói lên những suy nghĩ, hiểu biết của mình về các dấu mốc lịch sử. Lớp học “ảo” nhưng hiệu quả và chất lượng đem lại rất “thật”. Không chỉ được học hỏi và tích luỹ thêm nhiều nội dung lịch sử, các em còn được tham gia hoạt động tương tác, chơi trò chơi để nhận sao - một hình thức khuyến khích, động viên học tập rất tích cực.

Em Nguyễn Gia Bảo - học sinh lớp 4 - chia sẻ: Qua buổi học trực tuyến tại bảo tàng, em biết thêm nhiều kiến thức. Em rất yêu Lịch sử bởi môn học này giúp em hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam trong quá khứ. Em cảm ơn Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các thầy, cô giáo đã mang tới những buổi học lịch sử thực địa rất hay, thú vị.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - cho biết: Từ năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19, Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng chương trình học lịch sử online và tiến hành thử nghiệm cho một số trường trên địa bàn Hà Nội. Đầu năm 2020, dịch bệnh bùng phát, Bảo tàng từng bước chuyển hướng các chương trình giáo dục sang hình thức học trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom. Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet có thể tham gia lớp học.

Bảo tàng đã tổ chức được gần 300 buổi học với hàng nghìn học sinh tham gia, trong đó có cả học sinh Việt Nam sinh sống tại nước ngoài. Với kinh nghiệm và thành công bước đầu, các cán bộ giáo dục của Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục mới, sử dụng có hiệu quả ứng dụng công nghệ, đồng thời luôn cập nhật, nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiết học thực địa tại bảo tàng: Thổi hồn cho môn Lịch sử