Công tác huy động xã hội hoá để có kinh phí cho hoạt động này cũng được chú trọng. Nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức cho học sinh đi HĐTN thực tế ở những nhà máy, công trình, khu du lịch, di tích lịch sử, khu HĐTN… Từ đó, các em nắm bắt được nhiều kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất như quan sát, giao tiếp, hợp tác, trung thực, phản biện, tự làm…
Với Trường Tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương), khó khăn gặp phải được Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoàng Trang chia sẻ liên quan đến chuẩn bị đồ dùng dạy học, phương tiện tổ chức dạy học. Trước khó khăn này, giải pháp của nhà trường là khuyến khích thầy cô sử dụng vật liệu tái chế, dễ tìm, gần gũi để thực hiện giảng dạy hiệu quả; đồng thời tổ chức linh hoạt các nội dung học tập phù hợp với môn học và thực tiễn địa phương.
Cũng chia sẻ giải pháp, cô Trần Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, nhà trường tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên tại trường và cử họ tham gia các lớp tập huấn về tổ chức HĐTN tại Sở/Phòng GD&ĐT. Đồng thời, tăng cường thao giảng, dự giờ các tiết HĐTN, giúp đông đảo giáo viên tiếp cận, tích lũy kinh nghiệm.
Đầu năm, các tổ khối chuyên môn cần xây dựng kế hoạch thật cụ thể; trong đó lựa chọn nội dung, hình thức, phương tiện, cách thức tổ chức, lực lượng tham gia chi tiết. Địa điểm cần linh hoạt, tận dụng tối đa các địa điểm trải nghiệm ngay tại địa phương và trong nhà trường.
Nếu phải tổ chức HĐTN ngoài nhà trường cần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và có yêu cầu cần đạt sau những hoạt động đó. Nhà trường đồng thời chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, xã hội hóa giáo dục để bảo đảm có thể tổ chức các HĐTN ngay trong lớp học, trường học.
Đóng trên địa bàn thị trấn, nhưng Trường Tiểu học Lâm Xa (thị trấn Cành Nàng, Bá Thước, Thanh Hóa) có đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn chiếm khá cao…
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Long chia sẻ, để tổ chức hiệu quả HĐTN, nhà trường chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị có thể để phục vụ cho chương trình. Lập kế hoạch lựa chọn giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học theo quy định hiện hành. Tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học để giáo viên tiếp cận trước phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Trường tiếp tục cử giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn tại Sở GD&ĐT để về tập huấn lại cho giáo viên. Cùng với đó, phát huy nguồn lực xã hội hóa để tháo gỡ những khó khăn khi tổ chức dạy học.
Một hoạt động trải nghiệm của cô trò Trường Tiểu học Hạ Hòa. |
Sau 3 năm triển khai HĐTN theo Chương trình GDPT 2018, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra để tổ chức hiệu quả hoạt động này trong năm học mới. Chia sẻ bài học này từ thực tiễn Trường Tiểu học Hạ Hòa, cô Trần Thị Bích Hạnh cho rằng, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học thật chi tiết, trong đó nội dung HĐTN thật cụ thể.
Đồng thời, tập huấn cho 100% giáo viên các nội dung liên quan đến tổ chức, nghiên cứu kỹ chương trình, yêu cầu cần đạt của hoạt động này. Các nhà trường cần linh hoạt chủ động trong tổ chức HĐTN cho phù hợp tình hình nhà trường, không được chuyển hoạt động giáo dục bắt buộc trong trường sang một loại hình dịch vụ phụ trợ kèm theo. Làm tốt công tác truyền thông đến các lực lượng xã hội, phụ huynh học sinh, giúp họ hiểu về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, cách thức tổ chức HĐTN trong chương trình mới cũng là điều quan trọng cần làm.
Nêu những nội dung cần làm để triển khai hiệu quả HĐTN trong năm học mới, cô Giang Thị Điệp cho rằng, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cần tổ chức tập huấn chuyên đề về xây dựng kế hoạch, tổ chức theo Chương trình GDPT 2018 cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, đại trà. Tăng cường kinh phí ngân sách chi hoạt động giáo dục (Hoạt động trải nghiệm).
Từ thực tiễn, thầy Nguyễn Văn Chanh kiến nghị các cơ quan quản lý cần có kế hoạch đào tạo giáo viên dạy chuyên sâu HĐTN. Các trường sư phạm đưa HĐTN vào chương trình dạy học.
Cùng với đó, giảm bớt nội dung, yêu cầu cần ngắn gọn, thực tế theo lớp, theo thực tế từng địa phương nơi học sinh học tập. Để các trường tự chủ động, sáng tạo khi tổ chức các tiết học HĐTN ở trong sách giáo khoa cho phù hợp với thực tiễn. Có đủ đồ dùng, kinh phí cần thiết để tổ chức tốt các hoạt động theo nội dung từng bài học.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Hoạt động trải nghiệm được thực hiện thông qua bốn loại hình hoạt động chủ yếu: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ, trong đó câu lạc bộ là loại hình tự chọn. Hoạt động trải nghiệm được tổ chức theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học.