Điều vui mừng là các kết quả nghiên cứu về hoá học cho thấy quả me rừng giàu hợp chất phenolic. Đặc biệt có nhiều dẫn xuất của acid gallic như acid L-malic 2-O-gallate; acid mucic 2-O-gallate; acid mucic 1,4-lacton 2-O-gallate; acid mucic 1,4-lacton 5-O-gallate; acid mucic 1,4-lacton-3-O-gallate và acid mucic 1,4-lacton 3,5-di-O-gallate... đã được phân lập từ quả me rừng.
Đã có nhiều công bố khẳng định cao chiết chứa các hợp chất phenolic và phenolic acid trong quả me rừng có tác dụng chống oxy hóa mạnh, tăng chuyển hóa lipid, giảm lipid máu, giảm cholesterol và bảo vệ gan.
Chiết xuất hoạt chấtbảo vệ gan
Từ những nghiên cứu này, nhóm của GS.TS Nguyễn Mạnh Cường đã tiến hành khảo sát các dung môi chiết xuất khác nhau (metanol, etyl acetat, cồn 50 độ, cồn 70 độ và cồn 96 độ) và dựa trên tiêu chí đánh giá như hiệu suất, hàm lượng polyphenol và hoạt tính chống oxi hoá, ức chế peroxide hoá lipid, tác dụng bảo vệ tế bào gan dưới tác động của CCl4.
Qua thực nghiệm cho thấy cao cồn 96 độ từ quả me rừng thể hiện hoạt tính chống oxi hoá và bảo vệ gan tốt nhất, có hàm lượng lượng polyphenol cao đặc biệt.
Cao cồn 96 độ từ quả me rừng đã được nhóm nghiên cứu loại tạp nhằm tăng hàm lượng polyphenol trong cao từ 387 mg GAE/g lên 432 mg GAE/g. Nhóm tiến hành đánh giá độc tính cấp và tác dụng bảo vệ gan trước sự gây độc của CCl4 trên chuột. Cao chiết me rừng không độc.
Cao chiết me rừng ở ba liều 200, 500 và 1000 mg/kgP/ngày đều thể hiện mức độ bảo vệ gan trên mô hình nghiên cứu. Trong đó, cao PE ở mức liều 500mg/kg/ngày thể hiện tác dụng bảo vệ gan gần tương đương với đối chứng silymarin và hạn chế tổn thương gan gây ra bởi CCl4 trên mô hình chuột nhắt trắng dòng BALB/c.
Thành công này đã giúp nhóm xây dựng quy trình tạo chế phẩm quả me rừng quy mô 3kg nguyên liệu/mẻ, thu được 110g sản phẩm/mẻ. Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã bào chế thử nghiệm viên nang từ quả me rừng với công dụng bảo vệ gan, giảm gan nhiễm mỡ, hỗ trợ giảm cholesterol và giảm cân.
Đây là cơ sở phát triển các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ từ quả me rừng ở Việt Nam.