Hơn 1 tuần sau, B. xin đi làm chỗ khác và được 2 người chưa xác định danh tính đến trả hộ 25,6 triệu đồng rồi đón đi. Ngày 15-8-2022, gia đình H. đến thanh toán 15,5 triệu đồng đón về nhà, còn L. tiếp tục ở lại làm. Cùng ngày, bố bé H. đến Công an huyện Bình Xuyên trình báo về việc L. bị lừa bán và bị giữ làm nhân viên tại quán của Cẩn.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, thời điểm Oanh đến tiếp nhận 3 bé thì cháu L. mới 12 tuổi, cháu B. mới 14 tuổi và cháu H. mới được 13 tuổi.
Tại phiên toà, các bị cáo Trần Văn Cẩn, Trần Trường Oanh không thừa nhận phạm tội danh cáo trạng quy kết. Bị cáo Cẩn cho rằng bị cáo không mua các bị hại từ bị cáo Nhung, mục đích chuyển tiền Oanh là để bị cáo này trả nợ hộ cho các bị hại. Bên cạnh đó, bị cáo đồng ý cho 3 bị hại làm việc do Chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân các bị hại gửi qua zalo đều trên 16 tuổi.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm cho rằng tại thời điểm tiếp nhận, 3 bị hại mới từ 12 đến 14 tuổi. Bị cáo Cẩn đã không xác minh kỹ thông tin, ngày, tháng, năm sinh thực tế của các bị hại mà tin tưởng vào chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân là hoàn toàn do lỗi của bị cáo.
Về việc chuyển tiền, các bị cáo cho rằng đây là giao dịch dân sự, HĐXX khẳng định các lời khai của bị cáo, lời khai các bên liên quan khẳng định việc bị cáo Cẩn đã vi phạm như cáo trạng đã quy kết. Qua đó, bị cáo Oanh là người giúp sức cho bị cáo Cẩn.
Bản án sơ thẩm đánh giá hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến nhân phẩm của con người nói chung và trẻ em nói riêng được pháp luật bảo vệ; gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân. Tuy nhiên, các bị hại cũng có một phần lỗi vì đã cung cấp căn cước công dân, chứng minh nhân dân giả làm các bị cáo lầm tưởng đã đủ tuổi lao động.