“Rõ ràng học sinh đã nhận thức được tầm quan trọng của môn học, không phải học để đi thi, mà học để có kiến thức, kỹ năng. Việc dạy học, đổi mới theo hướng phát triển tư duy, năng lực của học sinh là hết sức cần thiết”, ông Vũ bày tỏ.
Tuy nhiên, đánh giá tiết dạy minh hoạ, đại diện trường THPT Cổ Loa cho biết: “Để làm được tiết dạy như vậy sự rất cần sự đầu tư của cô giáo về ý tưởng, suy nghĩ xây dựng tiêu chí đánh giá chung và riêng”.
Theo vị đại diện này, xây dựng bộ đánh giá như vậy là công việc khá khó, nếu từng chủ đề phải làm những tiêu chí khác nhau rất mất thời gian. Phương pháp dạy theo dự án đã được thực hiện rất lâu nhưng để cho học sinh và giáo viên đánh giá đúng sản phẩm là rất khó, và thường cho điểm theo cảm tính.
Đại diện Trường THPT Archimedes Đông Anh cũng cho rằng việc dạy bài giảng theo các dự án là sáng tạo phù hợp, nhưng nếu lạm dụng phương pháp này dễ gây quá tải cho học sinh. Vì vậy, cần kết hợp nhịp nhàng các hình thức để phù hợp với khả năng của các em.
Trước những băn khoăn của giáo viên, đại diện cho nhóm chuyên gia, cô Kiều Phương Thuỳ, giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội đưa ra giải pháp: “Những đánh giá về hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề,… của học sinh là giống nhau và có thể tái sử dụng cho các bài học khác nhau, vì vậy thầy cô cũng sẽ không phải tốn nhiều thời gian cho hoạt động này”.
TS. Nguyễn Chí Trung |
TS. Nguyễn Chí Trung, Trưởng bộ môn Phương pháp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời cũng là tác giả sách Tin Học 10 Cánh Diều chia sẻ: “Bài giảng đã bám sát chương trình, việc hướng dẫn dạy dự án trong SGK. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý hơn về cấu trúc, giáo viên nên nói rõ mục đích của buổi học, hướng dẫn đánh giá”.
Theo thầy Trung việc hướng dẫn đánh giá cho học sinh là rất quan trọng để các em nắm rõ mục đích và lợi ích của dự án. Ngoài ra, trong quá trình dạy giáo viên cần làm rõ từng khái niệm, nhất là những khái niệm mới xuất hiện trong quá trình chuyển đổi số hiện nay.