Chính vì vậy tại buổi tập huấn, TS Nguyễn Thị Hường đề nghị giáo viên viết mong muốn của mình dưới tư cách là phụ huynh học sinh. Đồng thời, giáo viên cũng ghi mong muốn của mình đối với phụ huynh. Thông qua trò chơi đó, dễ dàng nhận thấy những yêu cầu của cha mẹ học sinh lại ngày càng cao, nhưng giáo viên lại chưa biết chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn của bản thân khiến phụ huynh không hiểu, dẫn đến khó hợp tác với giáo viên.
"Hiểu được những điều khiến phụ huynh không hài lòng, giáo viên sẽ biết cách tự điều chỉnh, hoàn thiện bản thân để đáp ứng được mong muốn của phụ huynh học sinh. Trên cơ sở nhận ra sai lầm thường mắc phải, giữa giáo viên và cha mẹ học sinh sẽ có sự đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau...", TS Nguyễn Thị Hường gợi ý.
TS Nguyễn Thị Hường gợi ý và giải đáp những thắc mắc của giáo viên trong công tác chủ nhiệm. |
TS Nguyễn Thị Hường cũng lưu ý, trong các buổi họp phụ huynh cần tạo môi trường hợp tác; giáo viên có thể định hướng, trao đổi những biện pháp giúp cha mẹ gần gũi, dễ dàng chia sẻ với con em mình, không chỉ về học tập mà còn nhiều hoạt động khác.
"Điều gì đến từ trái tim sẽ chạm tới trái tim. Mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường sẽ ngày càng khăng khít, gắn bó, thầy cô giáo và cha mẹ cùng nhau mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh với phương châm 1 + 1 > 2...", TS Nguyễn Thị Hường tin tưởng.
Qua buổi tập huấn giáo chủ nhiệm lĩnh hội thêm những kỹ năng, nâng cao cách ứng xử, giao tiếp với cha mẹ học sinh. Qua đó, xây dựng tốt hơn mối quan hệ gần gũi, tạo sự tin tưởng của phụ huynh với thầy cô giáo và nhà trường.