Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, kinh phí, tài chính của lĩnh vực KHCN cũng cần có đặc thù bởi vì với hoạt động nghiên cứu khoa học không thể tính toán, định lượng chính xác như là các hoạt động lao động sản xuất khác, bởi rất khó để xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết ông đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu KHCN.
Theo GS. Lê Huy Hàm, hoạt động KHCN là hoạt động thử nghiệm để tìm ra cái mới, hữu ích cho đời sống sản xuất và xã hội. Nghiên cứu có thể không thành công, hoặc có thể thành công, nhưng điều kiện sản xuất, điều kiện xã hội chưa chấp nhận sản phẩm mới, sự thay đổi mới, hoặc chúng ta chưa đủ trình độ, chưa đủ kinh phí để đưa vào ứng dụng... Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là rủi ro, cần có các cách tiếp cận phù hợp để hạn chế các rủi ro đó.
Mặc dù tổng mức đầu tư xã hội cho KHCN liên tục tăng từ 0,19% GDP năm 2011 lên 0,53% năm 2020, nhưng chưa đạt mục tiêu 2% GDP vào năm 2020. Do đó, cần chọn vấn đề sao cho ít rủi ro nhất dựa trên khả năng chấp nhận của thị trường, khả năng tự chủ công nghệ và khả năng đầu tư của Nhà nước và của xã hội... Tuy nhiên, ngay cả việc tiếp cận thận trọng như vậy, xác suất rủi ro vẫn có, chúng ta cần phải chấp nhận.
Nêu dẫn chứng bản thân, GS.TS.Lê Huy Hàm cho biết, năm 2014, các cán bộ Viện Di truyền Nông nghiệp đi công tác, thực tập ở nước ngoài báo cáo về việc các nghiên cứu về chỉnh sửa gene trên cây trồng rất sôi động, Viện cần tiếp cận ngay. Nhóm đã đề xuất và được Bộ NN&PTNT phê duyệt thực hiện. Đến nay, nhóm nghiên cứu ở Viện Di truyền Nông nghiệp đã chỉnh sửa thành công cùng lúc 2 gene liên quan đến bệnh bạc lá ở lúa. Thử nghiệm cho thấy, dòng lúa tạo ra đã kháng được hầu hết các chủng bạc lá chính ở khu vực miền Bắc. Đó là thông tin rất tốt, vì bệnh bạc lá ở lúa hàng năm gây hại hàng trăm tỷ đồng cho sản xuất. Tuy nhiên, vì lúa là loại cây trồng xuất khẩu, phần lớn các nước chưa chấp nhận lúa chuyển gene, nên nghiên cứu mới dừng ở phòng thí nghiệm. Đó là rủi ro.
"Nhưng cũng không thể nói chấp nhận rủi ro theo một cách đơn giản, chúng ta phải có một cách tính toán, bàn bạc rất cặn kẽ để quản lý rủi ro. Đó là trách nhiệm của các nhà khoa học, của các hội đồng KHCN, các nhà quản lý, tránh tạo kẽ hở trong quản lý nhà nước về KHCN",GS.TS. Lê Huy Hàm nói.
Bình luận thêm về các chính sách KHCN hiện nay, GS. Lê Huy Hàm cho rằng, thước đo hiệu quả của các chính sách thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, có thu hút được người giỏi về và ở lại làm việc, cống hiến cho KHCN hay không? Đó là điểm đầu tiên và cốt lõi. Thứ hai, giá trị của các sản phẩm mà các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo do các viện, trường tạo ra. Thứ ba, tỉ lệ đầu tư của doanh nghiệp cho phát triển nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Hiện nay tỉ lệ này còn thấp, cần phải tìm ra điểm nghẽn để cởi nút thắt.
Đây cũng là những nội dung mà các đại biểu Quốc hội đã tập trung tại phiên chất vấn và Bộ trưởng Bộ KH&CN đã cơ bản trả lời được, có đề xuất định hướng, phương án cụ thể để xử lý các vấn đề trong thời gian tới.
Cũng theo GS. Lê Huy Hàm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển là việc nhất định phải làm, nếu chúng ta muốn đưa đất nước tiến lên bằng KHCN và đổi mới sáng tạo. Nếu không liên tục cập nhật, đổi mới, hệ thống cơ chế dễ bị lạc hậu, lại trở thành yếu tố kìm hãm phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo. Quá trình đổi mới này bắt đầu từĐảng, Quốc hội và Chính phủ. Đây cũng là lĩnh vực gắn với nhiều ngành nên một mình Bộ KH&CN cũng không thể thành công được nếu không có sự vào cuộc của liên ngành, cả hệ thống chính trị.