Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có hơn 190.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp ở mức thấp dưới 3,5 triệu đồng đã được tăng mức hưởng lương hưu theo 2 mức.
Theo báo cáo về tình hình thực hiện cải cách chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHHX, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, đã thực hiện điều chỉnh tăng 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.
Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995, sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức điều chỉnh chung nêu trên, nếu mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/tháng. Nếu mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh lên bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Để có thể triển khai thực hiện được ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2024), Bộ đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Nghị định.
Do vậy, ngay trong kỳ chi trả lương hưu của tháng 7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đã được điều chỉnh và được hưởng theo mức mới.
Theo số liệu ước tính, có hơn 3,09 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh mức hưởng.
Trong đó, số người hưởng từ nguồn ngân sách Nhà nước đảm bảo là hơn 833.000 người, số người hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo là hơn 2,26 triệu người.
Việc điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2025 dự kiến sẽ tác động đến hơn 190.000 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng ở mức thấp dưới 3,5 triệu đồng. Đây là nỗ lực của Chính phủ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho người nghỉ hưu.
Kinh phí thực hiện (ước tính) là khoảng 16.780 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 3.650 tỷ đồng, Quỹ Bảo hiểm xã hội 13.130 tỷ đồng.