Tỉnh táo khi lựa chọn chương trình đào tạo liên kết nước ngoài

Hải Minh | 12/09/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khoảng 400 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài đang giảng dạy tại Việt Nam khiến nhiều người đặt câu hỏi về kiểm soát chất lượng.

Ngoài vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, người học cần có những lựa chọn thông minh (người học thông thái).

Cần công khai, minh bạch

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Trước đây, con số này có thể cao hơn do số chương trình đào tạo quốc tế luôn có thời hạn hợp tác giữa hai bên. Khi thời hạn kết thúc, nếu chương trình không gia hạn và không đáp ứng được những quy định mới chặt chẽ hơn của phía Việt Nam sẽ tự động kết thúc.

“Việc mở ra những chương trình đào tạo mới theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là hướng đi đúng. Vì vậy, việc dừng các chương trình cũ để bắt đầu khởi nguồn tìm kiếm những đối tác mới, chương trình mới là điều bình thường. Do đó, chúng ta cũng không nên bi quan về số lượng các chương trình tăng hay giảm mà quan trọng là chất lượng của chương trình đang được đào tạo như thế nào?” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Đặt vấn đề, làm sao để bảo đảm được chất lượng của các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định: Để người học được thụ hưởng những chương trình liên kết đào tạo quốc tế có chất lượng tốt nhất, cần có sự chung sức của nhiều bên liên quan.

“Chúng tôi đang hoàn thiện thêm cơ sở dữ liệu chung về giáo dục đại học, trong đó có hệ thống phần mềm để hỗ trợ việc quản lý các chương trình đào tạo. Ngoài ra, việc giám sát một cách phù hợp, sao cho việc thực hiện của các bên liên quan bảo đảm đúng quy định của pháp luật là cần thiết. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu học tập suốt đời của người học ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các trường tự chủ phê duyệt chương trình đào tạo của mình theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Trong đó, ba bên quan trọng nhất là: Cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và người học. Với cơ quan quản lý Nhà nước, cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể, nhất là trách nhiệm của những người tham gia vào quá trình liên kết đào tạo quốc tế; đặc biệt là trường đại học ở Việt Nam, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin đến người học về chương trình đào tạo, để xã hội và người học giám sát, cùng tham gia phát triển, xây dựng văn hóa chất lượng ngày càng tốt hơn.

Về phía cơ sở giáo dục đại học, cần thực hiện công khai, minh bạch chương trình đào tạo, từ các điều kiện bảo đảm chất lượng như thế nào, điều kiện tuyển sinh, tốt nghiệp rồi học phí và năng lực của đối tác. “Ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục nên lựa chọn cơ sở liên kết đào tạo với đối tác uy tín, có thứ hạng cao ở các nước tiên tiến. Đặc biệt là chương trình đào tạo cần có kiểm định, uy tín” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyến nghị.

Tỉnh táo khi lựa chọn chương trình đào tạo liên kết nước ngoài ảnh 1

Sinh viên Trường Đại học VinUni.

Không nên “sính ngoại”

Trao đổi về những chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhìn nhận, mục tiêu là lan tỏa, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo trong nước, năng lực của giảng viên và tăng cường môi trường sử dụng tiếng Anh cho người học. Do đó, việc lựa chọn đối tác vô cùng quan trọng. Việc phát triển các chương trình đào tạo mới, tiên tiến, có xu hướng đón đầu, tiên phong cũng là nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường trong bối cảnh hiện nay.

Còn về phía người học và phụ huynh, cần thông minh, tỉnh táo khi lựa chọn. Nghĩa là, người học nghiên cứu đầy đủ về quy định của pháp luật để có hiểu biết về các chương trình đào tạo hiện đang được cung cấp. Chúng ta có quyền đòi hỏi cơ sở đào tạo phải công khai, minh bạch thông tin và có quyền giám sát việc thực hiện tại đơn vị mình theo học.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) - khuyến nghị, trước khi quyết định đăng ký học một chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, phụ huynh, học sinh cần xác định tấm bằng được cấp sẽ gắn với mình cả cuộc đời. Do đó, cần dựa trên yếu tố về năng lực, khả năng ngoại ngữ, điều kiện kinh tế… để lựa chọn. Đừng vì “sính ngoại” mà tiền mất, tật mang.

“Ngoài ra, học sinh cần lưu ý, tham khảo tiêu chuẩn đầu vào của những chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Nếu yêu cầu đầu vào thấp nên cẩn trọng. Tiếp đó, nghiên cứu xem cơ sở đào tạo của nước sở tại có nằm trong “danh sách đen” hay không. Nếu có nên từ chối theo học. Điều quan trọng tiếp theo là cân nhắc về mặt tài chính và nhà trường có quan tâm, chăm sóc sinh viên chu đáo không. Việc này có thể tham khao qua ý kiến của những người đang học chương trình đó” - TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, tiêu chí để chọn đối tác liên kết đào tạo phải là chương trình được thực hiện bởi trường đại học danh tiếng trên thế giới, chương trình đã được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế, bảo đảm tiêu chuẩn của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục”.

Đồng thời, chương trình đào tạo của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các trình độ đào tạo.

“Chuẩn đầu ra của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không được thấp hơn chuẩn đầu ra quy định bởi các văn bản pháp luật của Việt Nam. Trước khi lựa chọn theo học chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài, phụ huynh, học sinh có thể truy cập vào website của trường để nghiên cứu, tìm hiểu” – ông Đào Phong Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng, Trường Đại học Cần Thơ tư vấn.

“Cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa, hướng dẫn về cơ sở pháp lý, các quy định, văn bản liên quan, hiệp định, công ước quốc tế, thỏa thuận giữa các chính phủ; đồng thời chia sẻ bài học thực tiễn để cơ sở giáo dục đại học có thể lĩnh hội, đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội”. - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo duc Đại học (Bộ GD&ĐT)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỉnh táo khi lựa chọn chương trình đào tạo liên kết nước ngoài