Phản biện với nhận định của một số TikToker về việc Ngôn ngữ Anh là một trong những ngành “vô dụng nhất”, TS Nguyễn Tất Thắng – Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) viện dẫn: Ngôn ngữ Anh đang là lựa chọn của nhiều thí sinh. Ngành học này phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội.
TS Nguyễn Tất Thắng phân tích, hiện nguồn nhân lực liên quan đến tiếng Anh như: Biên dịch, phiên dịch viên tiếng Anh, giáo viên tiếng Anh các cấp, nhân viên văn phòng giao dịch bằng tiếng Anh, điều phối viên dự án… còn thiếu rất nhiều. Đơn cử, hàng năm, các công ty, cơ quan đơn vị trong và ngoài nước; cơ sở giáo dục đặt hàng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển dụng nhân sự ngành Ngôn ngữ Anh với số lượng lớn. Tuy nhiên, với quy mô đào tạo 570 sinh viên, Học viện mới đáp ứng được số lượng nhỏ nhân lực mà các đơn vị cần.
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: TG |
Cũng theo TS Nguyễn Tất Thắng, học ngành Ngôn ngữ Anh người học được rèn luyện và phát triển kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm và rất năng động, tự tin, có khả năng thích ứng cao với các môi trường làm việc mới. Do đó, các em yên tâm lựa chọn đăng ký xét tuyển ngành học này nếu đủ đam mê, năng lực.
“Hiện trên mạng xã hội có nhiều thông tin, luận điệu sai trái, tiêu cực gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề trong đó có ngành Giáo dục. Phụ huynh và thí sinh cần xem xét, chắt lọc, nhìn nhận vấn đề theo hướng khách quan” - TS Nguyễn Tất Thắng khuyến cáo.
Khẳng định, từ những điều đơn giản nhất cũng cần phải học, ThS Phạm Văn Minh - Phó Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Nguyễn Trãi nhấn mạnh, chúng ta mất nhiều năm để nghiên cứu một môn học, ngành học. Khi được học kết hợp với trải nghiệm trong cuộc sống sẽ giúp học sinh, sinh viên hình thành kiến thức của riêng mình. “Nếu nói rằng không cần học vẫn có thể đi làm, không khác nào bịt mắt đi trên đường, có thể vấp ngã bất cứ lúc nào hoặc không biết đích đến” - ThS Phạm Văn Minh nêu quan điểm.
Theo ThS Minh, việc đào tạo lại sinh viên ở các ngành nêu trên khi ra trường là điều đương nhiên. Chúng ta hãy hình dung, khi có hàng nghìn doanh nghiệp với môi trường văn hóa, đặc điểm kinh doanh khác nhau. Ứng viên vào doanh nghiệp sẽ phải “nhập gia tùy tục”, vì thế việc doanh nghiệp phải đào tạo là điều dễ hiểu.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh, ThS Phạm Văn Minh cho rằng, trên mạng có nhiều thông tin khác nhau, điều quan trọng là cần tìm ra những nội dung hữu ích cho bản thân. Khi lựa chọn ngành nghề, các em cần tìm hiểu thông tin ở những kênh chính thống như: Chuyên gia tư vấn tuyển sinh, tham gia buổi hội thảo hướng nghiệp, báo chí chính thống, website của cơ sở đào tạo mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển… “Thông tin trên mạng xã hội có cả xấu và tốt. Vì thế, để không bị “tẩu hỏa nhập ma”, các em cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin này” - ThS Phạm Văn Minh khuyến cáo.