Mỹ cũng gấp rút tăng cường sản xuất đạn pháo để bổ sung vào kho dự trữ đạn dược hiện đang bị rút cạn do phải cung cấp cho cả Ukraine và Israel. Hồi đầu tháng 11, Quân đội Mỹ kêu gọi Quốc hội phê duyệt khoản tài trợ 3,1 tỷ USD để mua đạn pháo cỡ 155mm và mở rộng sản xuất.
Mỹ có kế hoạch tăng tốc độ sản xuất đạn pháo 155 mm lên 100.000 quả/tháng. Nhưng mục tiêu này khó có thể đạt được cho đến năm 2025. Tốc độ chậm chạp trong việc sản xuất và cung cấp đạn pháo của phương Tây khiến Ukraine khó có khả năng xoay chuyển cán cân sức mạnh trên chiến trường. Song các chuyên gia cho rằng, Kiev vẫn có thể bám trụ được.
Justin Crump, Giám đốc Điều hành của Công ty Tình báo chiến lược Sibylline cho rằng: “Ukraine chắc chắn cần sử dụng nhiều đạn pháo hơn. Nhưng hiện cả nước này và Nga đều đã phần nào đảm bảo được nguồn cung để duy trì nỗ lực chiến đấu, mặc dù điều kiện thời tiết hiện tại hạn chế đáng kể việc di chuyển trên tiền tuyến”.
Trước yêu cầu cấp thiết từ phía Ukraine, chính phủ các nước phương Tây lập luận rằng, họ đang hướng tới trang bị cho Kiev những hệ thống vũ khí tầm xa chất lượng cao hơn. Việc tiếp nhận tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow do Anh và Pháp tài trợ cùng hệ thống Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) của Mỹ đã giúp Ukraine phần nào thu hẹp khoảng cách với Nga về mặt vũ khí tiên tiến.
Theo các chuyên gia phương Tây, lợi thế về pháo binh của Điện Kremlin đang dần bị xói mòn sau gần 20 tháng giao tranh. Nga được cho là đã mất khoảng 600 khẩu pháo và bệ phóng. Tại các trục chính của cuộc phản công mà Ukraine thực hiện ở phía Nam, số hệ thống pháo binh mà Nga mất ước tính cao gấp 4 lần so với con số của Ukraine. Tuy vậy, nếu thiếu đạn pháo, Ukraine sẽ không thể cản được đà tiến của Nga và cũng không có khả năng tạo ra bước đột phá lớn trong tương lai.
Ngoài ra, việc kho dự trữ các loại đạn dược đang giảm dần và thời gian thay thế kéo dài đang làm bộc lộ những điểm yếu của phương Tây, khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại, nhà phân tích Crump lưu ý.
Tình thế bấp bênh của Ukraine
Hiện cuộc phản công của Ukraine đang “dậm chân tại chỗ”. Một số nhà phân tích suy đoán, cuộc phản công có thể kết thúc trong vài ngày tới khi tuyết rơi dày đặc trên chiến trường và địa hình thay đổi khiến các hoạt động di chuyển gần như bị “đóng băng”.
Nhiều quan chức quân sự Mỹ cho rằng, Ukraine đã mắc phải một số sai lầm trong chiến thuật, khiến họ khó có khả năng đạt được bước đột phá về mặt quân sự.
Thứ nhất, Ukraine đáng lẽ cần phải tập trung sức mạnh của lực lượng thiết giáp để xuyên thủng các bãi mìn dày đặc của Nga. Nhưng họ lại rút quân và tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn bằng pháo binh hoặc tên lửa vào hệ thống phòng thủ của đối phương. Điều này khiến Kiev đạt được rất ít tiến triển trên bộ, trong khi làm cạn kiệt nguồn cung đạn dược.
Thứ hai là Kiev đã quyết định chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga ở nhiều điểm, thay vì tập hỏa lực vào một điểm duy nhất để tạo ra bước đột phá mang tính quyết định. Chẳng hạn, Ukraine vừa dàn trải lực lượng để bảo vệ thành phố Bakhmut, thuộc tỉnh Donetsk ở miền Đông – nơi Nga đã tuyên bố giành quyền kiểm soát sau nhiều tháng giao tranh, lại vừa dồn sức cho mũi phản công ở phía Nam.
Nhưng theo giới quan sát, tất cả những lời giải thích này không thể biện minh cho thiếu sót của phương Tây đó là cần phải chuyển giao các loại công nghệ và vũ khí tiên tiến sớm hơn cho Ukraine để hỗ trợ Kiev phòng thủ trên chiến trường.
Khả năng của Ukraine trong việc đẩy lùi Nga chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ bền vững của Mỹ và các đồng minh châu Âu. Nếu nguồn cung cấp vũ khí, đạn dược và thông tin tình báo không đủ, Ukraine sẽ rất khó giữ vững phòng tuyến, chứ chưa nói đến việc giành thắng lợi trong cuộc phản công.