Đọc 2 thông tin trên, nhiều người ban đầu có tâm lý e ngại, cảm giác như cán bộ đang bị đặt vào tình thế "chênh vênh" giữa ranh giới của dám nghĩ dám làm và làm sai bị xử lý.
Con số tăng trưởng trong quý I dường như có phần nhiều nguyên nhân từ sự e dè, né việc, ngại quyết của cán bộ khi đối mặt các vấn đề hệ trọng liên quan kinh tế-xã hội nhưng cũng đồng thời liên quan tới trách nhiệm, quan lộ của họ. Việc được tín nhiệm hay thoát kỷ luật đôi khi chiếm tỉ lệ lớn thời gian suy nghĩ trong ngày, trong tuần, trong tháng của cán bộ…
Đó là những lo ngại có vẻ có lý. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu thêm chút nữa, người viết cho rằng Kết luận 14, Quy định 1300 đang là những công cụ hữu hiệu, bổ trợ cho nhau, vừa là vũ khí lại vừa là lá chắn giúp công tác cán bộ vẹn toàn, qua đó thúc đẩy kinh tế-xã hội bứt phá.
Bởi, Kết luận 14 không phải là thượng phương bảo kiếm, miễn tử kim bài để anh tự do vượt giới hạn. Làm gì cũng phải dựa trên quy định, vấn đề là linh hoạt phát huy phạm vi, lợi thế của quy định đó thay vì tư duy bản thân bị quy định bó buộc.
Quy định 1300 không phải rào cản với công chức liêm chính. Chỉ khi non nghĩa vụ công dân, thiếu đạo đức công vụ, hụt kiến thức chuyên môn, hổng kỹ năng tương tác… thì đương nhiên bị xử lý để mạch nguồn công vụ được thay thế bằng những thành tố cống hiến tốt hơn.
Sự bổ trợ và nâng hiệu quả cho nhau ấy rất cần thiết. Vấn đề còn lại là thực hiện sao để nhuần nhuyễn trên tinh thần công tâm, trong đó có việc đặt trọng trách cao đối với tác giả của những lá phiếu tín nhiệm. Phải nhận xét, đánh giá chính xác trên nền của tư duy đổi mới chứ không phải vì động cơ yêu, ghét cá nhân.
Để giải phóng năng lực của cán bộ, cần vận dụng nhuần nhuyễn ít nhất 2 công cụ vừa là vũ khí, vừa là lá chắn của họ như nói ở trên.