Số liệu từ báo cáo tài chính quý II của 10 doanh nghiệp bất động sản có lượng hàng tồn kho lớn ghi nhận tổng hơn 297.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
CTCP Đầu tư Nam Long ghi nhận giá trị hàng tồn kho tại cuối quý II ở mức 16.269 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm. CTCP Tập đoàn Đất Xanh cũng cùng xu hướng tăng. Tính đến cuối tháng 6, DXG ghi nhận hạng mục này 14.788 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Hàng tồn kho tại Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng cũng tăng 5% so với cuối năm ngoái, đạt 6.310 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của DKRA (công ty về bất động sản), tồn kho căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) lũy tiến đến tháng 6 đã vọt lên 42.364 căn, tiêu thụ condotel thấp hơn 78% so với cùng kỳ, riêng tháng 4 và 5, sức tiêu thụ giảm 95%.
Trong khi đó, tổng lượng tồn kho các tài sản nhà liền thổ ven biển tăng lên xấp xỉ 30.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II lên đến 15.000 căn cả miền Bắc và Nam.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra trong quý II, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp (giá trên 10 tỷ đồng) gần như không ghi nhận giao dịch, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ của nhà đầu tư mua trước đó, dẫn tới hàng tồn kho ngày càng cao.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - đánh giá, từ cuối năm 2022 đến tháng 6 năm nay, phần lớn doanh nghiệp đều ghi nhận giá trị hàng tồn kho tăng là điều dễ hiểu, do việc khó bán hàng, thanh khoản thị trường gần như đóng băng.
“Chỉ đáng lo khi lượng hàng tồn kho chủ yếu ở các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng vì liên quan tới thủ tục pháp lý khiến dự án không thể triển khai trong thời gian dài. Điều này sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp khi một lượng vốn lớn đã đổ vào nhưng không ra được thành phẩm để bán, làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay…”, ông Đính nói.