Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Phương Tây lo rằng ông Erdogan sẽ dùng kết quả này để đưa thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra xa phương Tây hơn nữa, nhưng cũng hy vọng rằng việc ông Erdogan không đủ điều kiện tái tranh cử một lần nữa khiến nhà đạo này không cần phải chiều chuộng nhóm cử tri theo chủ nghĩa dân tộc trong nhiệm kỳ tiếp theo, vì thế cũng sẽ cởi mở hơn với những thuyết phục mới và điều chỉnh chính sách đối ngoại.
Dù theo cách nào, việc ông Erdogan tái đắc cử có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thổ Nhĩ Kỳ mà cả với NATO và bất kỳ trật tự nào của thế giới sau khi kết thúc cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Vấn đề ngay trước mắt mà phương Tây nghĩ đến là ngăn ông Erdogan xích lại gần Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn nữa. Nhưng rất ít nhà ngoại giao phương Tây lạc quan về điều này. Một nhà ngoại giao nói với Guardian: “Trước đây, ông ấy biến chủ nghĩa giao dịch gần như trở thành một hình thức nghệ thuật, rồi gần như một hệ tư tưởng. Nhưng gần đây, nó đã trở thành ác cảm thực sự đối với các giá trị và sự kiêu ngạo của phương Tây”.
Trong chiến dịch tranh cử, Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu, một người thân cận với ông Erdogan, nói rằng bất kỳ ai thể hiện khuynh hướng thân phương Tây đều là kẻ phản bội. Có lẽ đó chỉ là lợi hùng biện tranh cử, nhưng cũng phản ánh tư tưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ và có thể một số nước khác.
Phép thử đầu tiên đối với ông Erdogan sẽ là hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius sắp tới, nơi ông sẽ phải trả lời câu hỏi rằng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục phản đối Thụy Điển gia nhập NATO hay không. Ông Erdogan đã thôi ngăn cản Phần Lan, nhưng vẫn để Thụy Điển ở thế chông chênh và có nguy cơ tiếp tục ở trong vùng xám nguy hiểm.
Thụy Điển, quốc gia có dân số người Kurd nhiều hơn Phần Lan, cho biết họ đang vất vả đáp ứng một số yêu cầu của ông Erdogan, trong đó có việc dẫn độ 140 người Kurd. Stockholm đang siết chặt luật chống khủng bố để làm hài lòng Ankara và sẵn sàng nghiên cứu bằng chứng cho thấy cộng đồng người Kurd ở Thụy Điển trở thành một nguồn tài chính quan trọng cho đảng Công nhân người Kurd (PKK), một tổ chức bị Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Tuy nhiên, chính phủ cánh hữu của Thụy Điển không thể ra lệnh cho các thẩm phán cho dẫn độ nhóm người Kurd mà Ankara yêu cầu.
Việc Thụy Điển bị ngăn cản vào NATO còn liên quan đến chuyện Mỹ dừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể vấn đề Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga.
Dù gọi ông Erdogan là “chuyên quyền”, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm, cho phép thực hiện hợp đồng bán lô tiêm kích F-16 trị giá 20 tỷ USD và mở ra một chương mới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ trước tiên phải thuyết phục các lãnh đạo ủy ban đối ngoại của Thượng viện và Hạ viện Mỹ chấp thuận thương vụ. Ông Michael McCaul - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, gần đây ngụ ý khả năng linh hoạt, nói rằng ông sẵn sàng chấp thuận nếu vấn đề Thụy Điển vào NATO được giải quyết.
Quan hệ đặc biệt với Nga
Tuy nhiên, việc bán vũ khí cũng không chấm dứt được sự phản kháng của ông Erdogan trước những nỗ lực của phương Tây nhằm tách ông khỏi Tổng thống Nga Putin. Trong chiến dịch tranh cử, ông Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có mối quan hệ đặc biệt, và thể hiện mối quan hệ cá nhân gần gũi với nhà lãnh đạo Nga. Ông nói rằng chính mối quan hệ này giúp ông có vị trí tốt để đóng vai trò trung gian cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Tháng 4 vừa qua, ông Erdogan khai trương nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Nga. Ông Putin cũng đã nói đến khả năng Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm khí đốt của Nga ở châu Âu.
Tất cả những điều này gây khó cho những quan chức Mỹ đã đến Ankara để thúc giục ông Erdogan xử lý những doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ thôi hoạt động với vai trò cầu nối để giúp Nga vượt qua hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ với các công ty Nga trong danh sách trừng phạt, trao đổi thương mại với Nga trong những sản phẩm do phương Tây chế tạo, và việc xuất khẩu sang Nga những mặt hàng được coi là lưỡng dụng, như nhựa, cao su và hàng điện tử đều đã được Mỹ nêu ra nhưng không có mấy tác dụng.
Thổ Nhĩ Kỳ không sẵn sàng áp các lệnh trừng phạt Nga, còn Washington khó có thể áp biện pháp trừng phạt thứ cấp với Thổ Nhĩ Kỳ vì sợ sẽ càng đẩy ông Erdogan lại gần Nga.
Về tổng thể, phương Tây ủng hộ kế hoạch của ông Erdogan nhằm hạ nhiệt căng thẳng với các nước láng giềng như Ả-rập Xê-út, Syria, Ai Cập và Armenia. Trong một số khía cạnh, việc ông Erdogan tái đắc cử cũng có lợi cho phương Tây, như trong vấn đề ứng xử với những người tị nạn từ Syria.