Pháp - Việt Nam, một tương lai chung” là chủ đề của buổi giao lưu giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với sinh viên Hà Nội.
Ngày 27/5, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đã thăm, giao lưu với sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Đi cùng đoàn có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ông Emmanuel Macron đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo với hàng ngàn sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, hàng ngàn kỹ sư, bác sỹ được Pháp hỗ trợ đào tạo.
Theo ông Macron, Việt Nam đã chọn khoa học công nghệ là trọng tâm cho sự phát triển của đất nước với tầm nhìn ưu tiên công nghệ 4.0, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo. Trước nhiều thách thức, nhưng Việt Nam đã thể hiện ý chí mạnh mẽ cùng niềm tin mãnh liệt sẽ thành một nước phát triển hàng đầu châu Á.
Thành lập từ năm 2009, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) là ngôi trường hoạt động dựa trên Hiệp định Liên Chính phủ Việt Pháp. Chỉ sau thời gian ngắn, trường đã là nơi thu hút học sinh tài năng với niềm đam mê khoa học công nghệ.
USTH là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, đóng góp to lớn cho tình hữu nghị Việt Pháp, đặc biệt kể từ khi quan hệ hai nước được nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện cuối năm 2024.
Các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu ban đầu của trường được lựa chọn trên cơ sở các thế mạnh về khoa học công nghệ của Pháp và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam, bao gồm công nghệ sinh học và dược học, vũ trụ và hàng không, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, vật liệu - công nghệ nano, nước - môi trường - hải dương học.
Năm 2010, Liên minh các trường đại học và tổ chức nghiên cứu Pháp vì sự phát triển của USTH được thành lập với sứ mệnh hỗ trợ toàn diện các hoạt động của trường, bao gồm đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên tương lai; xây dựng và cung cấp tài liệu cho các chương trình đào tạo, bố trí các chuyên gia Pháp sang giảng dạy, trao đổi để nghiên cứu, quản lý điều hành, đánh giá đảm bảo chất lượng.
Trong các buổi tiếp xúc song phương giữa lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Pháp nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học, thúc đẩy chuyển giao và làm chủ công nghệ, đầu tư phát triển hạ tầng số.