TP HCM làm gì để bảo đảm chỗ học cho con em công nhân?

Công Chương (Thực hiện) | 13/08/2022, 06:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là một trong hai đô thị lớn nhất nước, TPHCM thu hút một lượng lớn cư dân từ các tỉnh thành khác về làm việc, sinh sống dẫn đến tăng dân số cơ học cao. Đặc biệt, những quận, huyện, TP có khu chế xuất, khu công nghiệp thường có tỷ lệ học sinh/lớp vượt quy định.

Giai đoạn 2003 - 2020, việc xây dựng mới, xây thay thế, nâng cấp cải tạo, mở rộng các trường học đa số thực hiện trên đất hiện hữu do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao nên mở rộng khuôn viên trường rất hạn chế. Một số công trình nằm trong kế hoạch đầu tư, đã khảo sát, xác định ranh giới đất theo quy hoạch trường học nhưng phải tạm dừng thi công do thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/3/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, bảo đảm an sinh xã hội. Diện tích đất/học sinh chưa phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT.

Hiện trạng diện tích đất công theo các đồ án quy hoạch được sắp xếp, bố trí để xây dựng công trình giáo dục chủ yếu quy hoạch trên đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao, ảnh hưởng đến tính khả thi của quy hoạch. Nhiều dự án khi triển khai vướng mắc do phải đền bù, giải phóng mặt bằng nên không thực hiện được.

Một số chủ đầu tư được TP giao thuê đất chưa hoàn thành trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình trường học tại khu đất được giao có chức năng là đất giáo dục.

Nguồn lực từ ngân sách dành cho giáo dục mặc dù đã được quan tâm, ưu tiên bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Các nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa chưa được khai thông do thiếu chính sách hấp dẫn, còn nhiều khó khăn vướng mắc về quy hoạch, do đó hạn chế trong việc đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học, đặc biệt là cấp học mầm non.

TP HCM làm gì để bảo đảm chỗ học cho con em công nhân? ảnh 2
Học sinh lớp Lá Trường Mầm non Tuổi Hoa (Quận 8, TPHCM) tại lễ tổng kết năm học 2021 - 2022. Ảnh: C.Chương

Bài toán khó giải trong thời gian ngắn

- Năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT TPHCM có những giải pháp, phương hướng thế nào để đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học toàn TP nói chung và khu vực có đông con em công nhân nói riêng?

- Với thực tế tại TPHCM hiện nay, áp lực về chỗ học và nhu cầu đầu tư trang thiết bị cho toàn ngành rất lớn. Vì vậy các giải pháp để tăng cường điều kiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT là bài toán khó không thể làm trong thời gian ngắn. Vấn đề này cần phải thực hiện theo lộ trình và khoảng thời gian dài, vì vậy cần có chính sách hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển ngày một thay đổi. Trong đó, ngành đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất; đầu tư, huy động vốn; quản lý...

Đối với nhóm giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND quận, huyện và các sở ban ngành liên quan, lập kế hoạch và thực hiện lộ trình hợp nhất trường mầm non, trường phổ thông, cơ sở giáo dục nhỏ lẻ hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất thành cơ sở đạt quy chuẩn trường học.

Đẩy nhanh các dự án xây mới hoặc thay thế, nâng cấp, mở rộng, tăng thêm phòng học tại các quận, huyện có biến động tăng dân số cơ học cao hoặc đang trong quá trình đô thị hóa cao. Cụ thể: Quận 7, 12, quận Gò Vấp, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức và đề xuất đầu tư phát triển theo phương án liên phường, bố trí theo địa bàn khu vực. Bảo đảm chỉ tiêu định mức theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đối với những trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 0,5 ha) trong khu vực nội thành sẽ tìm giải pháp chuyển đổi đất và mở rộng diện tích khuôn viên.

Ban hành các cơ chế tạo điều kiện cho các trường chủ động khai thác nguồn lực đầu tư nhằm đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị. Tập trung đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phòng học, phòng bộ môn; thư viện, phòng đa năng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường hoạt động dịch vụ cho học sinh;

Khuyến khích đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập và xây dựng mới trường học của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa.

Đối với nhóm giải pháp về đầu tư, huy động vốn, bố trí nguồn vốn bồi thường giải phóng mặt bằng cho toàn bộ quỹ đất. Đây là giải pháp cơ bản để giữ được quỹ đất cho quá trình phát triển lâu dài.

Đẩy nhanh tiến trình phương thức hợp tác công tư, xã hội hóa giáo dục, phát huy các nguồn lực trong nhân dân, chính sách hấp dẫn, đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để phát triển loại hình các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài...

Thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA và FDI, nguồn vay có lãi suất thấp, phát hành trái phiếu để phát triển trường học. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và cung cấp dịch vụ chất lượng cao theo nhu cầu xã hội nhằm tăng thu nhập cho các trường.

Đối với nhóm giải pháp về quản lý, xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển trường phổ thông các cấp học, bậc học có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.

- Về lâu dài, theo ông TP có giải pháp nào để giải quyết tình trạng còn nhiều cơ sở GD có sĩ số học sinh/lớp học đông như hiện nay?

- Theo quy định, sĩ số học sinh đối với trường tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; trường THCS và THPT không quá 45 học sinh/lớp. Nhưng thực tế, sĩ số học sinh của nhiều trường công lập trên địa bàn TP hầu như vượt quá quy định.

Để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian tới TP cần tập trung một số giải pháp như ưu tiên ngân sách để tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng trường lớp. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quỹ đất giáo dục đảm bảo tính khả thi cao. Có các chính sách, chế độ ưu đãi, quy định thuận lợi phù hợp với thực tế để thực hiện hiệu quả chủ trương huy động, kêu gọi đầu tư xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục…

- Xin cảm ơn ông!

Một trong những điều kiện thành lập các cơ sở giáo dục tại Khoản 1, Điều 3, 15, 25 tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ: “...Có đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt...”. Trong khi, đa số trường ngoài công lập hiện nay được chủ đầu tư thuê lại nhà - đất (mục đích sử dụng đất chủ yếu là khu đất làm nhà ở và mục đích sử dụng đất khác) của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để xây dựng mới, cải tạo nâng cấp thành trường học, nên chủ đầu tư không có đủ quyền sử dụng đất để thực hiện nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, UBND quận huyện không có cơ sở chấp thuận chủ trương thành lập nhà trường đối với trường hợp này.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tp-hcm-lam-gi-de-bao-dam-cho-hoc-cho-con-em-cong-nhan-post603956.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tp-hcm-lam-gi-de-bao-dam-cho-hoc-cho-con-em-cong-nhan-post603956.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP HCM làm gì để bảo đảm chỗ học cho con em công nhân?