Cụ thể, đối với đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định pháp luật về nhà ở.
Đối với đối tượng được bố trí tái định cư trong dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì phải có hợp đồng mua, nhà ở, công trình xây dựng bố trí tái định cư theo quy định pháp luật về nhà ở.
Trong khi đó, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư phải có trong danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cải tạo, xây dựng lại chung cư do UBND cấp tỉnh công bố và phải đảm bảo các điều kiện khác theo hướng dẫn.
Gỡ khó để hấp thụ vốn
Đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết các thông tin về điều kiện, đối tượng, tiêu chí đã rõ ràng. Vì vậy, đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư có nhu cầu vay vốn gói tín dụng 120.000 tỉ đồng gửi văn bản (kèm hồ sơ pháp lý) về Sở Xây dựng (địa chỉ 60 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3) để tổng hợp báo cáo UBND TP HCM theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Trong quá trình chờ đợi doanh nghiệp đăng ký, Sở Xây dựng cũng rà soát danh mục các dự án đủ điều kiện để xử lý bước đầu.
Theo Sở Xây dựng, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân giai đoạn 2021-2025 là 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn). Tuy nhiên, mặc dù đã hết gần nửa nhiệm kỳ, đến nay mới chỉ có 1 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn hộ và 7 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân đang triển khai với quy mô 5.117 căn hộ.
Như vậy, từ nay đến cuối năm 2025 (còn hơn 2 năm), TP HCM còn phải phát triển thêm 29.623 căn hộ. Trường hợp không quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thì thành phố sẽ không có dự án đủ điều kiện để hấp thụ gói tín dụng 120.000 tỉ theo Nghị quyết số 33.