Buổi tối thứ hai tôi cũng khó ngủ. Mọi thứ hiện lên trong đầu tôi rất rõ ràng, nó không loang lổ như ngày đầu tiên. Nhưng đó tôi bị cảm xúc chi phối rất nhiều. Nhắm mắt lại thì những cảnh đớn đau, khóc lóc làm tôi tự chảy nước mắt. Tôi cố gắng ngủ thì những hình ảnh bạo hành, đánh đập lại hiện lên, bất giác tôi rơi vào sợ hãi. Nhiều khi thấy mình muốn đứng lên chống trả, muốn được xông vào cuộc ẩu đả, muốn được đánh nhau cho hả dạ. Rồi những cảnh uống rượu giải sầu lại hiện lên. Nó chân thực như chính tôi đang chán đời khiến tôi có cảm giác thèm rượu.
Tự cảm nhận mọi cung bậc cảm xúc và tôi nhận thấy cực kỳ nguy hiểm nếu con trẻ cũng phải trải qua những cảm xúc này. Chúng còn quá nhỏ, làm sao làm chủ được cảm xúc của mình. Làm sao phân biệt đâu là cảm xúc thật, đâu là cảm xúc bị phim ảnh chi phối. Và tôi đã hiểu tại sao bọn trẻ con bây giờ mới chỉ lớp 6 đã hút thuốc lá điện tử, đã quan hệ tình dục khiến một số em ngoài ý muốn, một số khác thì đánh bạn hệt như phim.
Một phần các con cũng là nạn nhân của trò chơi thao túng cảm xúc mà thôi. Đến người lớn còn bị cuốn theo những cảm xúc đó, nó thôi thúc con người như đang trải qua những sự việc thật thì trẻ con sẽ bị kích thích đến thế nào. Nếu các ba mẹ không tỉnh táo trong cuộc chiến thao túng tâm lý và thao túng cảm xúc này thì việc đánh mất con là quá gần. Mà ai là người thao túng? Chính là những video, hình ảnh từ điện thoại và ti vi.
Ngày thứ ba, tôi chọn 3 bộ phim: phim cổ trang tình cảm, bộ phim nói về cô gái vô gia cư trở thành sinh viên đại học Harvard và bộ phim trinh thám đầy phân cảnh máu me với những quảng cáo ấn tượng từ ánh mắt của sát thủ máu lạnh mà người thủ vai là một cậu bé 6 tuổi.
Tối hôm thứ ba tôi cực kỳ khó ngủ. Nó khủng khiếp hơn 2 tối hôm trước. Tôi cố dùng ý thức ru mình ngủ nhưng không thành. Tôi niệm danh hiệu Phật. Tôi hình dung gương mặt Phật trong đầu và nhẩm danh hiệu của Ngài nhưng những hình ảnh từ các bộ phim cứ ùa về, làm nhòe đi hình ảnh của Phật. Tôi biết có thể mình sẽ thua trong giờ phút này.
Tôi quyết định quay trở lại chiến đấu với nó chứ không trốn tránh nữa. Tôi dùng ý thức để đưa những hình ảnh đẹp đẽ trong bộ phim cổ trang hiện lên. Đó là những cánh đồng hoa, những buổi tuyết rơi, những cảnh giữa núi rừng hùng vĩ nhưng hình ảnh, ánh mắt cậu bé sát thủ ngay lập tức xuất hiện. Những cảnh máu me xâm chiếm toàn bộ cảnh đẹp. Tôi hít vào, thở ra và tưởng tượng cảnh về cô gái đã đỗ đại học để có động lực, để phần khát khao chiến thắng trong học tập của mình được kích hoạt nhưng không thể.
Những hình ảnh của bộ phim trinh thám đã thắng. Nó lại lởn vởn khiến tôi phải mở mắt để làm mình tỉnh táo, để định hình chuyện gì đang xảy ra. Tôi cố nhắm mắt và bắt đầu tập trung vào hơi thở, tự bấm huyệt để có thể ngủ nhưng những hình ảnh đó quá kinh khủng. Bất giác, trong vô thức tôi nằm nghiêng người và co ro trong tư thế sợ hãi. Khi tôi ý thức được là tôi vừa nằm nghiêng thì tôi biết mình vừa rơi vào trạng thái hành động theo sự chỉ đạo của cảm xúc chứ không phải theo ý của mình.
Tôi bắt đầu đi ngủ lúc 22 giờ, mà hơn 23 giờ 30 tôi mới có thể ngủ. Tôi mất 90 phút để vật lộn với mớ cảm xúc hỗn độn, với những hình ảnh ám ảnh, với những nỗi sợ hãi không tên.
Vậy là đã rất rõ ràng. Bọn trẻ mắc hội chứng TIC đôi khi cứ nháy mắt liên tục, cứ ngáp, cứ lắc cái đầu, cứ nghênh nghênh cái mặt, cứ nhìn xa xăm vô định, tất cả đều là hành động vô thức bị chi phối theo cảm xúc và quán tính. Bọn trẻ ngồi đơ ra như tượng mà không tập trung vào công việc trước mặt đôi khi là do chúng đang bị kéo đi bởi những cảm xúc, những hình ảnh còn đọng lại trong đầu. Và rất nguy hiểm là những hình ảnh bạo lực sẽ lấn át các hình ảnh còn lại.
Theo Đông Y thì:
Tức giận quá sẽ hại can (gan)Vui mừng quá hại tâm (tim)Buồn lo quá hại phế (phổi)Kinh sợ quá hại thậnSuy nghĩ quá hại tỳ (lá lách)
Vậy mà trong 90 phút, tôi trải qua đủ các loại cảm xúc ở trên khiến tất cả các tạng phủ đều bị ảnh hưởng, đều bị làm hại. Đó là nguyên nhân gây bệnh rất sâu xa mà ít ba mẹ nào nhận ra. Chúng ta cứ thấy con thấp bé thì bổ sung cái nọ, bổ sung cái kia. Thấy con hay ốm vặt thì uống tăng đề kháng các kiểu. Mà quên mất nguyên nhân gốc rễ gây ra những bệnh tật trên là gì?
Còn theo Tây Y thì khi hạnh phúc, vui mừng cơ thể sẽ tiết ra những hooc môn hạnh phúc giúp thúc đẩy cảm giác tích cực. Có 4 hormone hạnh phúc là: Dopamine; Serotonin; Oxytocin và Endorphin. Còn khi sợ hãi thì cơ thể sẽ tiết ra hormone Adrenaline. Adrenalin là một hormon có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, cái làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn, các mạch máu bị kẹp và các đường dẫn không khí giãn nở. Khi đó cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm.
Vậy khi con bạn mắc chứng khó ngủ, tim đập hồi hộp, tự dưng sợ hãi, vã mồ hôi thì ba mẹ nên xem lại nội dung con đã xem trong các video. Có thể con đã xem nội dung mà mang lại sự sợ hãi ám ảnh nào đó chứ chưa chắc đã là một bệnh lý trên thân thể.