Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, nội dung của chương trình kỹ năng sống trong các trường học chủ yếu tập trung vào ba mảng. Nhóm kỹ năng nhận biết và sống với mọi người như giao tiếp có hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn, thương lượng, từ chối, bày tỏ sự cảm thông, hợp tác...
Nhóm kỹ năng nhận biết và sống với chính mình gồm tự nhận thức, xác định giá trị, ứng phó với căng thẳng, tìm kiếm sự hỗ trợ, tự trọng, tự tin,... Nhóm kỹ năng cuối cùng là kỹ năng ra quyết định một cách có hiệu quả như tìm kiếm và xử lý thông tin, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề...
Theo cô Loan, bên cạnh chương trình chính khóa thì giáo dục kỹ năng sống là không thể thiếu để trang bị cho học sinh, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển mang theo nhiều mặt trái, các em cần có kiến thức nhất định để xử lý các tình huống gặp phải, ứng xử để bảo vệ và hoàn thiện mình… Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả thì nội dung cũng như các tình huống thực hành, trải nghiệm phải phù hợp với độ tuổi của học sinh.
Bài tập thực hành về văn hóa ứng xử, Lớp Kỹ năng sống tại Trường THCS Nguyễn Huệ. |
Một nội dung mà các trường THCS, THPT rất chú trọng trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đó là an toàn trên mạng xã hội. Từ thực tế của quá trình triển khai, cô Phạm Thị Thùy Loan nhận xét: “Các em thường cho rằng những nguy hiểm từ mạng như: bạo lực, gây nghiện, lừa đảo,... các em đều đã biết và có đủ kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân mình.
Mạng xã hội sẽ chỉ là nơi để các em giao lưu, chia sẻ, tìm hiểu, giải trí,... chứ không thể là nơi có thể gây nguy hiểm cho các em. Vì vậy HS khá dễ dãi với việc chia sẻ thông tin cá nhân, trêu chọc và đánh đố nhau trên mạng, tự do chia sẻ và bình luận thiếu suy nghĩ, thoả trí tò mò về những nội dung không phù hợp độ tuổi,...”.
Thế nhưng, khi được nghe những câu chuyện cụ thể, có thật ngay xung quanh các em về mối nguy hiểm và hậu quả không an toàn từ mạng xã hội như là: bạo lực, xâm hại tình dục, ảnh hưởng tâm lý,... các em lại tỏ ra khá bất ngờ, thậm chí là không tin được vào những câu chuyện như thế.
“Quá trình trao đổi cởi mở giữa cô và trò về các vấn đề như vậy giúp các em có những góc nhìn mới theo hướng đúng đắn và tích cực, từ đó tự giác trang bị thêm cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ” – cô Loan nhận xét.