Trận Pháp - Argentina không dành cho người yếu tim

17/12/2022, 05:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trận chung kết World Cup 2022 giữa Pháp và Argentina sẽ diễn ra thế nào? Đó sẽ là trận đấu chặt chẽ, kéo dài 120 phút như các trận chung kết năm 2006, 2010 và 2014?

Đó có thể là trận đấu phóng túng, chứa đựng rất nhiều sai lầm từ cả hai đội như năm 2018 khi Pháp hạ Croatia 4-2?

Có vẻ kịch bản thứ nhất được nhiều người dự đoán hơn. Pháp và Argentina cân bằng về mọi mặt, cả về cách vận hành như tập thể, lẫn không gian cho các cá nhân giỏi nhất hai đội tỏa sáng. Argentina đá hay lên qua từng trận, Pháp như vẫn tiết kiệm năng lượng để bung ra hết trong trận đánh cuối cùng.

Vậy cần gì để đăng quang tại World Cup? Không phải lúc nào các cầu thủ cũng đạt được “phong độ cao nhất của đời cầu thủ” cho trận chung kết. Câu thần chú các HLV sẽ nói với cầu thủ của họ: “Làm việc cùng nhau, giữ bình tĩnh, tránh những sai sót ngu ngốc”.

Cuối cùng, đội nào sẽ thắng? Đây là câu hỏi quan trọng nhất, nhưng cũng khó nói nhất.

Phap,  Argentina anh 1

Dù là tấn công hay phòng thủ, Pháp luôn giữ sự chủ động. Ảnh: Reuters.


Pháp chưa bao giờ đánh mất sự bình tĩnh

HLV Didier Deschamps nói rằng đội bóng của ông “không hoàn hảo” khi thắng Anh, và cũng “không hoàn hảo” khi đánh bại Morocco. Ở hai trận này, Pháp không cho thấy dáng dấp nhà đương kim vô địch, kém hơn so với 4 năm trước ở Nga, khi họ lần lượt đánh bại Argentina, Uruguay, Bỉ để vào đá trận chung kết.

Nhưng cũng phải thông cảm cho Pháp nếu họ chơi “không hoàn hảo” bởi cơn bão chấn thương đi qua càn quét một số lớn hảo thủ, lại còn thêm dịch sốt virus khiến một số khác đang chơi ổn định như Adrien Rabiot, Dayot Upamecano phải ngồi ngoài. Cuối cùng, một đội hình bị "tàn phá bởi bệnh tật" vẫn thắng, chỉ có kết quả mới quan trọng, đó là sự nguy hiểm của người Pháp. Họ thực dụng như Đức trong quá khứ.

Đội tuyển Pháp này khiến nhắc ta nhớ về Real Madrid trong mùa giải Champions League trước. Không phải từ cách họ chơi, mà là cách tiếp cận trận đấu. Dường như "Les Bleus" biết khi nào "cài số de", sang số và gây áp lực cho đối thủ. Tính từ đầu giải, Pháp mới cài số cao nhất trong hiệp hai trận đấu với Australia.

Đôi khi, Pháp kiểm soát trận đấu hoàn toàn. Thỉnh thoảng, họ mang đến cho đối thủ cảm giác rằng đối thủ đang kiểm soát trận đấu, bằng cách cho phép đối thủ giữ bóng ở vài khu vực nhất định mà ít làm tổn thương.

Đôi khi, như Real Madrid với những màn rượt đuổi tỷ số, lội ngược dòng ngoạn mục, Pháp vứt bỏ sự kiểm soát, cho phép mình phóng khoáng. Họ với Morocco chơi một trận đấu với tốc độ nhanh và để lại khoảng trống lớn cho nhau khai thác. Cuối cùng, qua những khoảng trống, Kylian Mbappe trừng phạt Morocco trong khi đại diện châu Phi không làm được điều tương tự được với người Pháp.

Dù dùng cách tiếp cận thế nào, lâm vào khó khăn đến đâu, đội Pháp không để lại ấn tượng rằng họ đang mất bình tĩnh. Thầy trò Didier Deschamps tự tin rằng nếu có bị Morocco chọc thủng lưới thì họ vẫn tìm đường vượt lên trước.

Luôn có không gian cho ngôi sao tỏa sáng

Pháp cũng như Argentina luôn dành không gian cho ngôi sao tỏa sáng. Argentina cho Lionel Messi tự do hoàn toàn, đi bộ hay chạy là việc của anh. Pháp cũng không ràng buộc Mbappe vào nhiệm vụ phòng thủ, mà lẽ ra tiền đạo này phải làm để bảo vệ cho cánh trái của Theo Hernandez.

Phap,  Argentina anh 2

Mbappe nhảy múa giữa 5 cầu thủ Morocco, chuyền bóng cho Muani ghi bàn ấn định tỉ số 2-0.

Khi Hernandez, Youssouf Fofana và Ibrahima Konate bị 4-5 cầu thủ Morocco vây đánh, Deschamps thực hiện sự thay đổi chiến lược để bảo vệ hành lang mà vẫn cho Mbappe miễn nhiệm việc phòng thủ. Ông đưa Marcus Thuram vào thay Olivier Giroud. Mbappe được đẩy vào vị trí trung phong, Thuram đứng vào chỗ trước đó của Mbappe.

Lối chơi của Thuram khá tương đồng Mbappé, rất tốc độ và thích hợp với những tình huống phản công. Điểm khác biệt của tiền đạo thuộc biên chế M’Gladbach là anh phòng ngự tốt hơn, sẵn sàng chơi lùi sâu khi đội trong trạng thái không có bóng. Thuram giải tỏa áp lực cho hành lang trái bị đe dọa của Pháp.

Nếu không có Thuram làm việc này, Mbappe không thể còn đủ năng lượng để nhảy múa giữa 5 cầu thủ Morocco và chuyền bóng cho Randal Kolo Muani ghi bàn ấn định tỷ số. Nhiều người ca ngợi pha rê bóng dọn cỗ của Messi cho Julian Alvarez ghi bàn thứ ba vào lưới Argentina, mà quên mất pha dọn cỗ của Mbappe. Hai pha kiến tạo có giá trị ngang nhau về mặt nghệ thuật chơi bóng.

Hệ thống, sơ đồ, chiến thuật ngày càng được nhắc đến nhiều trong bóng đá, sự thật là bởi bóng đá đang ít đi những tài năng lớn. Khi hệ thống trở nên bế tắc, chính tài năng sẽ phá vỡ sự bế tắc đó. Morocco, Hà Lan, Croatia thất bại vì họ không có những tài năng trình độ hàng đầu.

Do vậy, hoàn toàn hợp lý khi Deschamps sử dụng hệ thống để bảo vệ ngôi sao của ông. Và cho nhà cầm quân này điểm 10 về nhãn quan chiến thuật khi đưa Thuram vào thay Giroud. Trận chung kết tới, Messi, Nahuel Molina, Rodrigo De Paul sẽ đánh vào vị trí của Hernandez. Phương án Thuram chắc chắn sẽ được Deschamps tính đến.

Argentina có thể chơi mọi dạng chiến thuật

Trong khi Pháp có trận đấu khá "hoang dã" với Morocco, HLV Lionel Scaloni thể hiện sự già dặn chiến thuật theo cách hiện đại trong trận thắng Croatia. Ông lấy 4 tiền vệ của mình chơi bó hẹp, gói chặt bộ ba tiền vệ đẳng cấp của Croatia, cho họ chuyền bóng cho nhau và chuyền ngang, chuyền về, chứ không cho phát triển bóng lên phía trước.

Phap,  Argentina anh 3

Đội tuyển Argentina được cấu tạo để phục vụ Messi một cách tốt nhất. Ảnh: Reuters.

Cách này giống cách Pháp đôi khi dùng: Mang đến cho đối thủ cảm giác rằng, đối thủ đang kiểm soát trận đấu, bằng cách cho phép đối thủ giữ bóng ở vài khu vực nhất định mà ít làm tổn thương mình. Có thể dự đoán Scaloni sẽ dùng bộ tứ giữa sân để gói chặt Antoine Griezmann, Aurelien Tchouameni, Adrien Rabiot.

Từ đầu giải, Scaloni dùng nhiều hệ thống chiến thuật nhất, 4-3-3, 3-5-2, 4-4-1-1. Ông làm được điều đó bởi có nhóm cầu thủ dù chưa nổi danh lại rất giỏi trong việc quấy rối, đánh chặn và chạy chỗ.

Alvarez và các hậu vệ cánh chạy chỗ tuyệt vời trong các trận đấu. Và sang số, tăng hay giảm tốc thông qua Messi rất khó lường. Chỉ một cái vẫy tay của Leo, cả đội lao lên gegen-pressing khiến đối thủ nghẹt thở. Cũng chỉ cần cái nháy mắt của Messi, cả đội trở về tốc độ đi bộ, đủng đỉnh cầm bóng.

Năng lượng và khát khao cạnh tranh của các cầu thủ Argentina là lớn nhất trong các đội dự giải. Ta có thể đọc điều đó qua ngôn ngữ cơ thể của họ. Năng lượng này sản sinh ra các pha pressing quyết liệt lên đối thủ. Họ hiếm khi chuyền ngang và chuyền về quá ba đường liên tiếp, luôn xoay sở để thoát sức ép. Argentina là một trong những đội hàng đầu của giải về tỷ lệ cầm bóng, đường chuyền tấn công, số bàn thắng dự kiến (nhiều nhất) và số bàn thua dự kiến (ít nhất).

Khi Brazil đấu với Croatia, các cầu thủ của ông Tite hầu như không tranh chấp bóng với đối thủ, trừ khi ở gần vòng cấm. Brazil thường để các tiền vệ Croatia chuyền bóng cho nhau mà không gặp nhiều áp lực. Có vẻ Brazil cảm thấy họ sẽ ghi bàn vào lưới Croatia, vậy tại sao phải lãng phí năng lượng.

Nhưng điều đó có nghĩa là các cầu thủ Croatia không mệt mỏi như họ đáng lẽ phải thế, và có thêm sự sự tự tin khi cầm bóng. Đó là mấu chốt để Croatia quật ngã người khổng lồ Brazil.

Nhưng Argentina không cho Croatia sự thoải mái đó. Cầu thủ của Scaloni luôn gây áp lực lên người nhận bóng của đối thủ, cố gắng lấy được bóng từ đối thủ trong các pha áp sát. Lối chơi này khiến Croatia suy sụp về tinh thần và thể chất, chất lượng cầm bóng giảm đi rõ rệt. Sẽ là một cuộc đấu thể lực cường độ cao ở giữa sân giữa Argentina với Pháp.

Phap,  Argentina anh 4

Argentina là một nhóm cầu thủ giỏi quấy rối, đánh chặn, chạy chỗ và dứt điểm. Ảnh: Reuters.


Đấu trí giữa Scaloni với Deschamps

4 năm trước ở Nga, khi hai đội gặp nhau, Kante bám Messi như hình với bóng, một trong những yếu tố khiến Pháp giành chiến thắng. Bây giờ, nhiệm vụ đó sẽ là của Tchouameni?

Nhưng 4 năm trước, Messi chạy khắp sân để làm mọi việc. Bây giờ Messi chủ yếu đi bộ, bứt tốc đoạn ngắn, nên sẽ là thừa thãi khi cắt cử người đeo sát anh. Song, để ra khoảng hở dù là rất nhỏ, Messi có thể gây sát thương. Đây là bài toán khó với Pháp.

Phía bên kia, Pháp có nhiều điểm nổ gây nguy hiểm hơn cho Argentina. Griezmann chạy rộng như chất keo gắn kết các tuyến, có lẽ Enzo Fernandez sẽ được cắt cử để chú ý đến Griezmann khi tiền vệ Pháp lọt vào vùng gây sát thương. Argentina có đôi chút khó khăn trong việc chống lại các tiền đạo cao lớn, đánh đầu tốt, như khi gặp Hà Lan, vì vậy Giroud có thể là chìa khóa của Pháp.

Và một câu hỏi lớn cho tất cả các đội, giờ là cho Argentina, làm sao ngăn Mbappe? Điều này có thể khiến Scaloni hi sinh Molina để bố trí Cristian Romero vào vị trí hậu vệ phải trong sơ đồ 4-4-2. Nhiệm vụ của Romero là ở sân nhà, đeo bám Mbappe.

Hoặc Scaloni sẽ xoay sang sơ đồ 3-5-2, với bộ ba trung vệ Romero, Nicolas Otamendi và Lisandro Martinez. Chơi đúng như hệ thống Argentina đăng quang tại World Cup 1986. Năm đó, bộ ba trung vệ của HLV Carlos Bilardo là Jose Luis Cuciuffo, Jose Luis Brown, Oscar Ruggeri.

Romero sẽ đóng vai của Cuciuffo trong vai trò trung vệ chồng biên (overlapping centre-back). Theo đó, khi Argentina ở trạng thái phòng thủ không có bóng, họ sẽ chơi theo sơ đồ 5-3-2. Khi có bóng, Romero dạt biên, Argentina chuyển đổi thành cấu trúc 4-3-3.

Sẽ rất thú vị khi xem Scaloni đấu trí thế nào trước người đồng nghiệp Deschamps dày dặn hơn về tuổi tác, kinh nghiệm và thành tích.

Pha solo và kiến tạo của Messi trước Croatia Cổ động viên ở sân Lusail chia sẻ khoảnh khắc Messi vượt qua trung vệ Gvardiol trước khi kiến tạo giúp Alvarez ấn định chiến thắng 3-0 cho Argentina ở bán kết World Cup 2022.
Bài liên quan
Midu 'nhá hàng' ảnh cưới đẹp như mơ tại Pháp
Midu sẽ tổ chức đám cưới vào ngày 29/6 tới, hiện cô đang tất bật hoàn thiện các công việc để chuẩn bị cho ngày quan trọng nhất cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trận Pháp - Argentina không dành cho người yếu tim