Trân trọng từng ý kiến góp ý bản mẫu sách giáo khoa

Đức Trí | 30/11/2022, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Triển khai Chương trình, SGK mới, việc góp ý các bản mẫu SGK đòi hỏi triển khai nghiêm túc, khoa học từ các nhà trường, giáo viên...

Phát huy tính khoa học và tinh thần, trách nhiệm

Năm thứ 3 đội ngũ giáo viên THCS tham gia góp ý bản mẫu sách giáo khoa (đối với lớp 8). Do đó, các nhà trường đã có kinh nghiệm để tổ chức đạt hiệu quả nhất. Cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội), cho biết: Ngay sau khi phòng GD&ĐT chuyển đường link sách giáo khoa mẫu, trường sẽ tổ chức cho các tổ nhóm chuyên môn cùng đọc và nghiên cứu.

Để việc góp ý hiệu quả, không mang tính hình thức, trường yêu cầu giáo viên phải đọc kỹ, bám vào chuẩn yêu cầu, chỉ ra những điều chưa hợp lý khi đưa vào giảng dạy thực tế… Tổ trưởng, nhóm chuyên môn sẽ là người chắp bút, giáo viên cùng đọc và góp ý trực tiếp.

“Góp ý bản mẫu sách giáo khoa được nhà trường xem như nhiệm vụ quan trọng. Do đó, trước khi triển khai trường tổ chức họp Chi bộ, tổ nhóm chuyên môn, yêu cầu giáo viên xác định đây là nhiệm vụ chính trị... để không chỉ ban giám hiệu nghiêm túc, mà giáo viên phải nâng cao ý thức, triển khai khoa học, đọc và góp ý trên tinh thần xây dựng, tránh kiểu làm cho xong, cho đủ.…”, cô Liên cho biết.

Cũng theo cô Liên, để phát huy được trí tuệ tập thể, không copy ý kiến người khác, trường yêu cầu việc đọc và góp ý bản mẫu sách giáo khoa phải được tiến hành cùng lúc (đọc, bàn bạc, góp ý). Từ ý kiến chung của tập thể sẽ tổng hợp thành ý kiến của nhà trường để gửi về phòng GD&ĐT.

Mặc dù chưa triển khai đọc bản mẫu sách giáo khoa lớp 11, theo cô Nguyễn Khánh Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai), kinh nghiệm từ năm trước, nhà trường sẽ giao cho tổ chuyên môn, từ đó tổ giao cho giáo viên đọc bản mẫu và có nhận xét với từng bài. Sau đó thảo luận từng nhóm, đưa ra kết luận chung và gửi lên sở GD&ĐT.

Cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách, Hải Dương), cho hay, bên cạnh triển khai đúng quy trình góp ý thì việc đảm bảo các ý kiến đóng góp của giáo viên thực sự độc lập, không sao chép được trường quán triệt theo thực tế, dân chủ...

Tại huyện Nam Sách, Hải Dương, việc tổ chức góp ý bản mẫu sách khoa được phòng GD&ĐT triển khai với tổ cốt cán trước, sau đó gửi bản mềm về các trường để giáo viên nghiên cứu, góp ý theo nhóm, tổ chuyên môn, và nhà trường.

Đóng góp ý kiến cho bản mẫu sách giáo khoa tại Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngay từ sách lớp 1, được cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng, cho biết luôn yêu cầu giáo viên phải xem xét kỹ tính chính xác, khoa học và sự phù hợp của các ngữ liệu/hình ảnh trong bản mẫu sách giáo khoa với đối tượng học sinh. Bên cạnh đó phải đưa ra được đề xuất cách chỉnh sửa cụ thể (về ngữ liệu, hình ảnh, từ ngữ…) phù hợp hơn.

Ngoài ra, giáo viên cần xem xét các câu hỏi, nhiệm vụ học tập ở mỗi bài học đã bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kết quả hoạt động của học sinh hay chưa? Có giúp giáo viên và học sinh khai thác hiệu quả nội dung, hình ảnh, ngữ liệu trong sách giáo khoa để tổ chức hoạt động dạy học thực tế không?...

Trân trọng từng ý kiến góp ý bản mẫu sách giáo khoa ảnh 1

Giáo viên góp ý sách giáo khoa mới. Ảnh minh họa/ INT

Ghi nhận sự đóng góp

Theo cô Tô Thị Bích Liên, góp ý bản mẫu sách giáo khoa là cần thiết và quan trọng khi được triển khai từ vòng nhà trường, giáo viên. Bởi lẽ góp ý là cơ hội, quyền lợi để giáo viên được tiếp cận sớm với sách, không đồng ý chỗ nào, không chọn chỗ nào, chỗ nào sai có thể phản ánh, đưa lên vòng nhà trường, tỉnh, các hội nhóm, từ đó nhà xuất bản lưu ý sửa chữa.

“Đổi mới sách giáo khoa mới có lộ trình, trong đó gồm đóng góp ý kiến mẫu. Do đó cần tổ chức nghiêm túc, hiệu quả, phát huy ý thức, trách nhiệm của giáo viên để việc triển khai không hình thức...”, cô Liên bày tỏ quan điểm.

Đối với vấn đề quyền lợi của giáo viên khi tham gia đóng góp ý kiến, cô Lê Thị Linh, Tổ trưởng Sử, Địa Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội), cho rằng đội ngũ giáo viên khi tham gia vào hoạt động này hơn hết là mong muốn đóng góp trí tuệ, công sức cho ngành Giáo dục trong quá trình đổi mới. Tuy nhiên, đây cũng là công việc để các đơn vị làm sách có thêm góc nhìn, ý kiến quý báu để nâng cao chất lượng sách nên cần động viên bằng sự ghi nhận, hồi đáp ý kiến.

Nếu có thể nên động viên bằng vật chất (dù nhỏ) đối với đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ. “Dạy học trong đổi mới giáo dục chiếm khá nhiều thời gian của giáo viên. Do đó, để phát huy tinh thần trách nhiệm cao ở công việc bên lề, thầy cô cần được ghi nhận, đền đáp xứng đáng…”, cô Linh bày tỏ.

Đóng góp ý kiến cho bản mẫu sách giáo khoa đòi hỏi tính chính xác, khoa học. Thầy cô phải xem xét các câu hỏi, câu lệnh, nhiệm vụ học tập trong các bài học bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kết quả hoạt động (đọc/xem/viết/nghe/ nói/làm) của học sinh; bảo đảm cho giáo viên và học sinh khai thác hiệu quả nội dung, hình ảnh, ngữ liệu trong sách giáo khoa để tổ chức hoạt động dạy học.

Việc góp ý sách giáo khoa vì vậy thật sự vất vả, đòi hỏi giáo viên phải có tầm, đam mê nghề nghiệp, vì học sinh thân yêu thật sự mới nhìn thấy “sạn”. Tuy nhiên theo cô Lâm Thị Oanh, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai), các ý kiến đóng góp của giáo viên chuyển đi thường không có sự phản hồi. Điều giáo viên mong muốn nhất đó là sự thảo luận, trao đổi những góp ý để thấy được sự ghi nhận…

Cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách, Hải Dương) cũng khẳng định nhiệm vụ đọc và góp ý bản mẫu sách giáo khoa đối với đội ngũ giáo viên là hợp lý. Đội ngũ giáo viên đã ý thức được tầm quan trọng, xác định trách nhiệm với công việc và cũng không đòi hỏi về chế độ bồi dưỡng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cho hoạt động này, tránh làm cho đủ…, các nhà xuất bản cần gửi sớm bản mẫu để giáo viên có thể nghiên cứu kỹ hơn. Mặt khác, nên chuyển đến giáo viên bản cứng thay vì đọc trên bản mềm để việc đọc, so sánh, đối chiếu, lưu ý, nêu vấn đề cần sửa chữa… tiện lợi, hiệu quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trân trọng từng ý kiến góp ý bản mẫu sách giáo khoa