“Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh lớp 9 bỏ tư tưởng lạc hậu. Các trường THCS chỉ thực hiện tuyên truyền, vận động học sinh thi vào trường THPT hoặc trung tâm GDNN-GDTX Kỳ Sơn và trường nội trú tỉnh. Việc tư vấn, tuyên truyền không gặp khó khăn”, ông Phạm Viết Phúc cho hay.
Giờ học tại Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình). Ảnh: NTCC |
Để không ảnh hưởng đến tâm lý, quyền lợi học sinh, không gây bức xức với cha mẹ và đảm bảo việc tư vấn, phân luồng, hướng nghiệp đúng các quy định, ông Bạch Đăng Khoa cho biết, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường THCS tăng cường chất lượng dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, giúp các em bộc lộ năng lực, phẩm chất cá nhân, làm nền cho công tác định hướng, phân luồng giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền đến giáo viên, nhân viên, cha mẹ, học sinh hiểu và nhận thức đúng về chủ trương phân luồng, hướng nghiệp học sinh lớp 9.
Sở GD&ĐT nghiêm cấm ép buộc học sinh dưới mọi hình thức không được dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà phải nộp hồ sơ xét tuyển vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng nghề. Các phòng GD&ĐT cần tổ chức kiểm tra, giám sát, điều chỉnh trường THCS tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 9 để nâng cao chất lượng giáo dục. Trưởng phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước sở GD&ĐT khi để đơn vị có sai phạm hoặc dư luận không tốt về nội dung này.
“Trong đánh giá thi đua các phòng GD&ĐT năm học 2023 - 2024, có thêm 2 nội dung, đó là: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; điểm trung bình của học sinh dự kỳ thi và điểm chênh lệch từng môn thi với điểm ghi trong học bạ. Sở GD&ĐT sẽ thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị (đột xuất, định kỳ hoặc khi có dấu hiệu vi phạm); xem xét trách nhiệm người đứng đầu, xử lý theo Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định hiện hành”, ông Bạch Đăng Khoa cho biết thêm.
Hiện các trường trong huyện Thái Thụy (Thái Bình) không có hiện tượng dựa vào hướng nghiệp để ép học sinh học lực yếu không thi vào lớp 10. Nhưng có trường, giáo viên chủ nhiệm tư vấn để học sinh không có đủ kiến thức cạnh tranh suất vào lớp 10 công lập đăng ký vào các trường trung cấp nghề, học tiếp tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT dân lập...
Tuy nhiên, đây chỉ là tư vấn, còn lại thầy cô tôn trọng lựa chọn của người học. Trên thực tế, nhiều em không cần tư vấn cũng tự nguyện đăng ký học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, học trung cấp nghề vì thấy học lực của mình quá yếu. - Thầy Giang Ngọc Ảnh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Mỹ Lộc, Thái Thụy, Thái Bình)