Thầy giáo Đặng Trần Tùng
"Theo kinh nghiệm của mình, dù trẻ nhỏ tiếp xúc sớm tới đâu, nếu tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ và các bạn trẻ không sống trong một môi trường nơi tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất, thì ảnh hưởng tiêu cực lên khả năng sử dụng tiếng Việt hầu như không có.
Đúng là có những bạn lựa chọn suy nghĩ bằng tiếng Anh và việc đó ảnh hưởng tới phản xạ/tốc độ xử lý tiếng Việt, nhưng vì dành quá nhiều thời gian bên cạnh gia đình, bạn bè là người nói tiếng Việt 100% nên xét về dài hạn vẫn không ảnh hưởng gì".
Độ tuổi nên cho con học tiếng Anh
Trước câu hỏi: Nếu tiếp xúc tiếng Anh sớm không ảnh hưởng đến sự tiếp thu tiếng Việt thì có nên cho con học càng sớm càng tốt hay không, thầy giáo Đặng Trần Tùng cho rằng: Gia đình vẫn nên ưu tiên cho con sử dụng tốt tiếng Việt trước, không có lý do gì bố mẹ nên tìm cách dạy con tiếng Anh từ quá sớm cả.
"Nếu chúng ta sợ bỏ lỡ 'thời cơ vàng' để phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, giúp các bạn tiếp thu tiếng Anh tự nhiên như tiếng Việt, thì cũng không cần phải cuống quá, vì các nghiên cứu chỉ ra rằng Language Acquisition Device (LAD) - khả năng tiếp thụ ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ - không mất đi khi chúng ta lớn lên", thầy Tùng nói.
Thầy giáo Đỗ Cao Sang
Thầy giáo tiếng Anh Đỗ Cao Sang ở TP.HCM cũng nhận định, việc trẻ học tiếng Anh sớm có lợi hơn nhưng không đáng kể.
"Chẳng hạn, một cháu bé chăm chỉ cần mẫn, nỗ lực hết sức, có chút năng khiếu, có tư duy ngôn ngữ tốt thì học từ năm lớp 7, lớp 8 vẫn có kết quả tốt, vẫn đủ 'vốn liếng' tiếng Anh để lên cấp 3 và chuẩn bị hành trang vào đại học.
Sự chênh lệch giữa một trẻ học tiếng Anh từ sớm và một trẻ học từ lứa tuổi lớp 7, lớp 8 (một cách đàng hoàng) thì không cách xa nhau bao nhiêu cả", thầy Sang nói.
Theo thầy Sang, độ tuổi trẻ nên học tiếng Anh, theo không quan trọng bằng "sự học liên tục", tiếp cận liên tục". Cách tuyệt vời nhất là bố mẹ cùng học, cùng đọc với con. Vừa tăng kiến thức, vừa gần gũi con và thêm gắn kết gia đình.