Tránh lạm dụng khi dùng các hình thức đánh giá mới

04/04/2024, 15:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hiện nay, học sinh được đánh giá, lấy điểm không chỉ qua bài kiểm tra trên giấy, mà còn bằng thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập...

Đa dạng hình thức đánh giá là cần thiết để đáp ứng yêu cầu mới, nhưng cần triển khai thế nào để phát huy năng lực học sinh mà không hình thức, quá tải là yêu cầu đặt ra.

Tác dụng ngược nếu lạm dụng

Công tác trong ngành Giáo dục, đồng thời là phụ huynh, cô Nguyễn Minh Diễm Quỳnh - Trường ĐH An Giang khẳng định tác dụng tích cực và xu thế không thể khác của việc đa dạng các hình thức đánh giá. Đánh giá không chỉ bằng một bài kiểm tra trên giấy, mà có thể là bài thực hành, dự án học tập giúp học sinh trải nghiệm thực tiễn, học qua làm, từ đó phát huy phẩm chất năng lực. Đây cũng là yêu cầu khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên, giáo viên giao các bài tập dự án, thực hành cần phù hợp, nếu không sẽ phản tác dụng. Khác kiểm tra trên lớp, bài thực hành, dự án thường công phu, mất nhiều thời gian chuẩn bị, thực hiện. Nếu không có sự thống nhất giữa giáo viên bộ môn, một tuần vài môn cùng giao bài thực hành, dự án thì học sinh vô cùng căng thẳng, áp lực và chắc chắn không còn thời gian cho môn học khác.

“Có phụ huynh chia sẻ với tôi về việc phải cắt giảm giờ làm, thậm chí có ngày xin nghỉ việc để đưa đón con đến trường tham gia 1 tiết hoạt động trải nghiệm, hoặc 1,5 giờ hoạt động nhóm; lúc thì tập múa, tập kịch cho buổi sinh hoạt dưới cờ theo chủ điểm của nhà trường.

Khi con được giao làm mô hình sáng tạo môn Công nghệ, Vật lý, Lịch sử, Sinh học…, nhiều khi bố mẹ phải cùng tham gia để có thể hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn. Nhiều học sinh ban đầu được làm bài thực hành, bài dự án rất hào hứng; nhưng sau đó các em mất dần hứng thú vì bài tập nhóm nối dài, bài thuyết trình dồn dập”, cô Nguyễn Minh Diễm Quỳnh trăn trở.

Hiểu áp lực học sinh gặp phải khi bị giao nhiều bài tập nhóm, dự án, cô Trương Thúy Lê - Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) khẳng định: Sử dụng bài tập nhóm, bài tập dự án máy móc, đánh giá sản phẩm chưa hợp lý có thể gây tác dụng ngược.

Giáo viên chỉ nên giao trung bình 1 đến 2 bài tập nhóm lớn mà học sinh cần nghiên cứu ở nhà và trao đổi, thảo luận cùng nhau trong một học kỳ. Thời điểm giao bài tập nhóm, dự án không quá sát các kỳ thi, kiểm tra. Yêu cầu đưa ra cần rõ ràng, dễ hiểu; mức độ phù hợp với năng lực và thời gian các em thực hiện.

Đồng quan điểm, theo thầy Trang Minh Thiên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ), giáo viên giao bài nhóm, dự án và thuyết trình cần hợp lý và phù hợp với học sinh, tránh quá tải.

Là giáo viên công nghệ, với đặc trưng môn học, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, thầy cô chỉ nên tổ chức, giao nhiệm vụ hoạt động cho học sinh trên lớp, mỗi hoạt động từ 15 - 20 phút, tránh giao việc về nhà. Với cách này, giáo viên sẽ huy động hết năng lực của thành viên trong nhóm để cùng nhau giải quyết và hoàn thành nhiệm vụ học tập, tránh việc “gánh team” trong nhóm của một vài bạn.

Học sinh Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) báo cáo dự án bảo vệ tài nguyên rừng. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) báo cáo dự án bảo vệ tài nguyên rừng. Ảnh: NTCC

Để hạn chế “tác dụng phụ”

Từ thực tế triển khai khi đánh giá học sinh qua bài thực hành, dự án học tập, làm việc nhóm, kinh nghiệm được cô Trương Thúy Lê chia sẻ là nên gắn với yêu cầu cần đạt của chương trình và phù hợp năng lực học sinh. Bài tập quá khó sẽ khiến các em tốn nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng đến việc học tập các môn khác cũng như sinh hoạt cá nhân.

Tuy nhiên, nếu bài tập nhóm quá đơn giản, học sinh có thể tự giải quyết bằng năng lực của cá nhân mà không cần trao đổi, tham khảo ý kiến của bạn, sẽ không phát triển được khả năng giao tiếp, hợp tác. Nhiệm vụ nhóm thường là hệ thống các yêu cầu, các em cần thời gian bóc tách và xử lý nên cần thời lượng phù hợp.

Do đó, thời điểm giao bài nên lựa chọn kỹ, có lộ trình, tránh mong muốn “ăn xổi”. Nên linh hoạt, kết hợp thời gian hoạt động nhóm của học sinh trên lớp, ở nhà. Cần đánh giá sản phẩm kết hợp đánh giá quá trình một cách công bằng, tránh cào bằng điểm thành viên trong một nhóm.

“Mỗi phương pháp, hình thức đánh giá đều có ưu và nhược điểm nhất định. Giáo viên linh hoạt phối kết hợp nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật đánh giá; tránh lạm dụng một phương pháp. Bên cạnh đó, cần nắm bắt tâm lý, có sự hỗ trợ và điều chỉnh kịp thời nhằm khích lệ, động viên học sinh tích cực tham gia giải quyết nhiệm vụ được giao trên tinh thần tự nguyện, tự giác, hợp tác tích cực”, cô Trương Thúy Lê nêu quan điểm.

Ở góc độ quản lý, cô Lê Thị Thanh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Phenikaa School cho rằng, với môn khoa học, không phải bất cứ kiến thức nào cũng có thể thực hành hay khảo nghiệm. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để cân bằng giữa truyền đạt kiến thức (bởi giáo viên) và trải nghiệm kiến thức dưới góc độ thực hành (bởi học sinh). Đối với ban giám hiệu, tổ chuyên môn, mỗi trường cần có chiến lược, kế hoạch thực hiện dự án theo cả năm học để tránh việc có thời điểm quá tải với người dạy và học.

Đưa giải pháp để triển khai đánh giá mới tránh hình thức, quá tải, cô Lê Thị Thanh Ngọc nhấn mạnh việc cần xây dựng chiến lược, ma trận dự án nội môn và liên môn từng khối lớp từ đầu năm học. Việc hoạch định kế hoạch cũng tránh quá tải, chồng chéo và bảo đảm các dự án có đủ thời gian, nguồn lực… thực hiện hiệu quả. Cùng đó, đánh giá kết quả dự án của nhóm học sinh hoặc cá nhân phải có quy chế quy đổi thành điểm đánh giá định kỳ môn học.

Mỗi giáo viên tự ý thức áp dụng các dự án học tập theo quy mô và mức độ yêu cầu khác nhau về thời gian thực hiện, sản phẩm đầu ra; làm sao bảo đảm 100% các thành viên có đóng góp cho kết quả dự án. Việc có cơ chế kiểm tra, giám sát hỗ trợ, ghi nhận cách thức tổ chức dự án hiệu quả cũng cần chú trọng.

“Nhà trường đã linh hoạt trong việc lấy điểm từ bài tập nhóm, thuyết trình… Học sinh tham gia dự án chính là “đang học” và kết quả đánh giá dự án của giáo viên cũng phục vụ mục tiêu đánh giá học tập cho học sinh”, cô Lê Thị Thanh Ngọc chia sẻ.

Chương trình GDPT 2018 có những điểm khác biệt về cách thức giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Với mục tiêu “dạy cách học” nên trải nghiệm học tập sẽ được đa dạng hóa với bài tập nhóm, dự án học tập…, giúp các em hình thành năng lực, kỹ năng thực tế thay cho việc chỉ tập trung vào chuẩn bị các kỳ kiểm tra. - Cô Lê Thị Thanh Ngọc (Phó Tổng Giám đốc Phenikaa School)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tránh lạm dụng khi dùng các hình thức đánh giá mới