Tránh lãng phí sau sáp nhập điểm trường lẻ

17/12/2023, 13:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những điểm trường lẻ, CSVC dôi dư sau khi sáp nhập được các địa phương vùng cao tận dụng tối đa để tránh lãng phí tài sản công sau đầu tư...

Đẩy mạnh sáp nhập điểm lẻ

Những năm gần đây, ngành GD-ĐT tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh chủ trương xóa, ghép, sáp nhập các điểm trường lẻ, đưa học sinh lớp 3 về trung tâm nhằm tạo thuận lợi trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở vật chất có trọng điểm với mục tiêu nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục.

Khi chưa sáp nhập, huyện Than Uyên (Lai Châu) có 48 trường. Từ năm 2018, địa phương nỗ lực sáp nhập các trường học trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 35 trường (giảm 6 trường mầm non, 5 tiểu học, 2 THCS).

Ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên cho biết: “Việc sáp nhập bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, bộ máy trường, lớp học đảm bảo tinh gọn, chặt chẽ và thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành. Các trường có sự chuyển biến rõ nét ở nhiều mặt, chất lượng giáo dục nâng cao”.

Cũng theo ông Hải, sau khi sáp nhập từng bước phù hợp với quy hoạch mạng lưới, các trường khai thác hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Học sinh hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học theo Chương trình GDPT mới. Đồng thời, giúp tinh giản bộ máy, giảm biên chế quản lý, nhân viên, tránh lãng phí trong bố trí nguồn lực của Nhà nước và nhân dân.

Trường Tiểu học xã Mường Than (huyện Than Uyên) được thành lập trên cơ sở sáp nhập của Trường Tiểu học số 1 và Trường Tiểu học số 2 xã Mường Than. Đến nay, nhà trường có 2 điểm trung tâm và 1 điểm lẻ tại Sen Đông. Năm học này, Trường Tiểu học Mường Than có 871 học sinh với 30 lớp.

Thầy Đào Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mường Than cho biết: “Sau sáp nhập, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường yên tâm làm việc, phụ huynh ủng hộ động viên con em ra lớp. Đặc biệt, công tác lãnh đạo, quản lý tập trung thuận tiện, dễ dàng, việc sinh hoạt chuyên môn hay chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi giữa giáo viên được đảm bảo. Học sinh được trải nghiệm nhiều hơn hoạt động tập thể. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.

Tại tỉnh Lào Cai, việc sáp nhập các cơ sở giáo dục cũng được đẩy mạnh. Sau khi sáp nhập, ngành GD-ĐT Cai rà soát được 254 điểm trường không có nhu cầu sử dụng cơ sở vật chất. Đến nay, các điểm trường đã bàn giao, chuyển mục đích sử dụng.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tả Van Chư, huyện Bắc Hà (Lào Cai) được sáp nhập năm học 2020 - 2021 với 4 điểm trường lẻ và 1 điểm trung tâm. Đến năm học 2023 – 2024, nhà trường sáp nhập 3 điểm trường, còn lại 1 điểm trung tâm và 1 điểm trường Xà Van – Sừ Mần Khang. Hiện trường có 622 học sinh, trong đó khối tiểu học có 346 em và 276 em khối THCS.

Thầy Hiệu trưởng Chử Hoàng Yến cho biết: “Sau khi sáp nhập điểm trường, chất lượng học tập, tỷ lệ chuyên cần của học sinh nâng cao. Các em được ở bán trú nên kỹ năng và chất lượng cuộc sống nâng lên rõ rệt. Cùng đó, giáo viên đỡ vất vả hơn khi không phải di chuyển đến những điểm bản xa trung tâm”.

Điểm trường Lả Dì Thàng được sử dụng làm nhà văn hoá thôn.
Điểm trường Lả Dì Thàng được sử dụng làm nhà văn hoá thôn.

Tái sử dụng điểm trường

Theo Quyết định số 500/QĐ-UBND ngày 5/5/2022 của UBND tỉnh Lai Châu, 46 điểm trường tại huyện Tân Uyên có cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập sẽ được điều chuyển cho các đơn vị khác để tăng hiệu quả sử dụng. Sau khi sáp nhập, Trường Tiểu học Mường Khoa, huyện Tân Uyên có 2 điểm trường không có nhu cầu sử dụng. Trong đó, điểm trường Nà Nghè được giao cho UBND xã Mường Khoa quản lý. Còn điểm trường Phiêng Hào bàn giao cho Trường Mầm non xã Mường Khoa.

“Sau khi tiếp nhận điểm trường Phiêng Hào, chúng tôi chọn đây là điểm trường chính. Mặc dù cơ sở được thiết kế phù hợp với học sinh tiểu học nhưng trường đã thiết kế, tu sửa để phù hợp hơn với học sinh mầm non”, cô Nguyễn Thị Thơm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Khoa thông tin.

Tại Mường Tè, trên cơ sở rà soát thống kê tài sản công không có nhu cầu sử dụng cần thanh lý, chuyển đổi, theo ông Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng GD&DDT huyện, phòng đã tham mưu để điều chuyển cho các đơn vị khác có nhu cầu để mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn. Trong đó, 9 điểm trường phải điều chuyển.

Điểm trường Sen Đông của Trường Tiểu học Mường Than sau khi đưa học sinh về trung tâm hiện còn 3 lớp theo học. Điểm trường này thừa 3 phòng học. Thầy Đào Văn Chiến cho biết: “2 phòng để Trường Mầm non Mường Khoa (Than Uyên) mượn. Còn 1 phòng sử dụng làm phòng đọc cho học sinh”.

Năm 2021, sau khi học sinh tại điểm trường Tiểu học Nậm Ngấn, thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Sài (xã Liên Minh, thị xã Sa Pa) được đưa về điểm trường chính, chính quyền xã đã bàn giao điểm trường lại cho thôn sử dụng làm nhà văn hóa.

Chị Chảo Mùi Mẩy (thôn Nậm Ngấn, xã Liên Minh) nhớ lại: “Người dân phấn khởi khi có nhà văn hóa mới, ai nấy tích cực tham gia dọn dẹp, chỉnh trang. Đoàn viên, thanh niên trong thôn còn làm đường bê tông lên tận nơi. Cả thôn chung tay san gạt khoảng sân để chơi thể thao, phục vụ hoạt động văn hóa cộng đồng”.

Điểm trường Tiểu học Nậm Ngấn chỉ là 1 trong số 31 điểm trường dôi dư của thị xã Sa Pa. Để tránh lãng phí, UBND thị xã Sa Pa đã rà soát, lên phương án tận dụng các điểm trường này. Trong đó, 20 điểm trường được tận dụng làm nhà văn hóa thôn, 8 điểm giao cho địa phương quản lý, 3 điểm bị sạt lở nên không sử dụng được.

Đầu năm 2023, nhà văn hóa thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà) được tận dụng từ điểm trường Lả Dì Thàng của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tả Van Chư với diện tích khuôn viên gần 1.000 m2.

Chính quyền xã Tả Van Chư đã vận động người dân trong thôn đầu tư cải tạo, sửa chữa lại cơ sở vật chất, trồng thêm cây xanh quanh khuôn viên... Công năng sử dụng bao gồm 1 phòng họp đầy đủ bàn ghế cũ của điểm trường, 1 khu nhà vệ sinh, sân rộng có thể tổ chức các hoạt động tập thể như vui chơi, luyện tập thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Anh Giàng Seo Phẩn - Trưởng thôn Lả Dì Thàng chia sẻ: “Trước đây, sinh hoạt tại nhà văn hóa cũ chật hẹp, nhiều hoạt động cộng đồng bị hạn chế hoặc không thể tổ chức. Được tiếp quản lại cơ sở vật chất của điểm trường, người dân trong thôn rất vui mừng”.

Ông Giàng Seo Sáng - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư cho biết: “Để tránh lãng phí, xuống cấp các điểm trường dôi dư sau dồn ghép, xã đã đề xuất với huyện xin chuyển đổi mục đích 3 điểm trường tiểu học thành nhà văn hóa thôn và trụ sở công an xã. Đặc biệt, nhà văn hóa thôn Lả Dì Thàng đang được UBND huyện Bắc Hà lên phương án xây dựng thành điểm văn hóa cộng đồng dân tộc Mông”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tránh lãng phí sau sáp nhập điểm trường lẻ