Khoản 1, khoản 2, điểm c khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông dừng, đỗ xe tại gầm cầu vượt. Đây được xem là hành vi gây cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho các người tham gia giao thông khác. Tuy nhiên, về chế tài xử lý, có sự khác biệt giữa các chủ thể vi phạm:
Đối với người điều khiển ô tô các loại xe tương tự xe ô tô: Điểm d khoản 4 Điều 5 Nghị định số 100/2019, được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021, quy định hành vi dừng xe, đỗ xe xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dưới gầm cầu vượt là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:Hành vi dừng xe, đỗ xe dưới gầm cầu vượt không được xác định là hành vi vi phạm.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định số 100/2019, được sửa đổi, bổ sung tại điểm i khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021, quy định hành vi dừng xe, đỗ xe dưới gầm cầu vượt là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
2. Hành vi dừng xe trên đường bộ “để tránh nắng, tránh mưa”
Khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không có quy định cụ thể về việc cấm dừng xe trên đường bộ “để tránh nắng, tránh mưa”, mà chỉ có quy định cấm dừng xe trên một số phần đường như: bên trái đường một chiều, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi dừng của xe buýt, phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe,....
Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT (được ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT) thì vị trí mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc khi có biển số R.122 là vạch dừng (vạch 7.1). Như vậy, nếu nơi có bóng râm cũng là nơi có vạch dừng và người điều khiển phương tiện giao thông dừng ngay tại đó để chờ đèn đỏ thì trường hợp này vẫn đúng quy định.
Ngoài ra, trong một số trường hợp sau, việc dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng, hoặc đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, thì được xem là vi phạm và có sự khác biệt về chế tài xử lý giữa các chủ thể vi phạm như sau:
Đối với người điều khiển ô tô các loại xe tương tự xe ô tô:Điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2019 quy định hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Điểm a, điểm đ khoản 2 Điều 6 Nghị định số 100/2019, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021 quy định hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Điểm d, điểm e khoản 2 Điều 7 Nghị định số 100/2019, được sửa đổi, bổ sung tại điểm i khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021, quy định các hành vi: dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị trái quy định là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Chế tài xử lý là bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.