Trao truyền kiến thức và đam mê

Dĩ Hạ | 05/12/2022, 07:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không chỉ là nhà khoa học uy tín với giải thưởng Quả cầu Vàng, PGS.TS Lê Văn Cảnh còn là người thầy truyền lửa đam mê đến nhiều thế hệ sinh viên.

Nhận Giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2013, PGS.TS Lê Văn Cảnh từng nói: “Tôi luôn luôn tự hào về thành tích giải thưởng Quả cầu Vàng và giữ nhiệt huyết để phát triển nghiên cứu khoa học. Tôi luôn nhận thức, trách nhiệm của mình để đưa ra những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế”.

PGS.TS Lê Văn Cảnh cho biết: “Từ làm khoa học cho đến đứng trên giảng đường, tôi chỉ luôn tâm niệm một điều hãy nỗ lực thật nhiều, làm việc hết sức có thể”. Suy nghĩ tưởng như đơn giản của thầy Cảnh nhưng lại là sức hút với học trò không chỉ là sinh viên đang theo học lớp của thầy mà tiếng lành đến cả nhiều trường.

Hồ Lê Huy Phúc, nghiên cứu sinh ngành cơ kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã “xin” PGS.TS Lê Văn Cảnh hướng dẫn vì “làm việc với thầy Cảnh, chúng tôi học được nhiều lắm” ‐ Phúc cho biết.

PGS.TS Lê Văn Cảnh chia sẻ: “Trong học tập hay nghiên cứu, cần phải tôn trọng đối tác của mình. Tôi luôn xem họ như người bạn, đồng nghiệp cùng trao đổi kiến thức một cách hòa đồng. Có gần gũi với sinh viên, nghiên cứu sinh, mình mới lắng nghe các bạn cần gì và thấy được những kiến thức cung cấp cho họ có phù hợp hay không.

Trong học tập hay nghiên cứu có nhiều kiến thức chuyên môn mới cần phải hướng dẫn các nghiên cứu sinh cách để tìm kiếm sự sáng tạo. Trong giảng dạy và nghiên cứu, tôi thường “test” (kiểm tra) sự sáng tạo của người học để “kích thích, phát triển”. Khi nhận lời hướng dẫn khoa học, đầu tiên tôi cho sinh viên 6 tháng để đọc tài liệu và chuẩn bị đề cương nghiên cứu”.

Nghiên cứu là sự sáng tạo, muốn tồn tại thì phải có cái mới, người nào vượt qua rào cản này mới có tố chất nghiên cứu - đó là “tiêu chí” trong bài test “gặp gỡ” ban đầu với học viên để từ đó PGS.TS Lê Văn Cảnh chính thức nhận lời hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Qua những lần “test” như vậy, PGS phát hiện ra khả năng nghiên cứu tiềm tàng của không ít sinh viên. Từ đó, thầy trăn trở, tìm cách thổi bùng những khả năng đó lên.

“Để hướng sinh viên vào nghiên cứu thì hoạt động đào tạo cũng phải song hành, hiệu quả. Tôi vẫn đang ấp ủ những công trình nghiên cứu mới. Do đó, trên giảng đường, cùng với việc truyền tải kiến thức tôi còn truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Ngành xây dựng còn nhiều việc cần làm và cần lắm những nghiên cứu ứng dụng. Tôi cũng đang ấp ủ nghiên cứu ứng dụng phương pháp tính toán mới để giúp Việt Nam bắt kịp xu thế xây dựng của thế giới hiện nay”, PGS.TS Lê Văn Cảnh bộc bạch.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-truyen-kien-thuc-va-dam-me-post615723.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-truyen-kien-thuc-va-dam-me-post615723.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trao truyền kiến thức và đam mê