Khoa học đã chỉ ra 4 khung giờ vàng cho việc học. Trong đó, thời điểm giúp con người ghi nhớ kiến thức lý thuyết lý tưởng nhất trong ngày là từ 4h30 đến 6h sáng. Đây là lúc không khí trong lành, không gian yên tĩnh, đầu óc sáng suốt nên não bộ sẽ dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn.
Từ 7h15 đến 10h sáng là khung giờ lý tưởng cho các môn xã hội. Bởi những môn này yêu cầu việc ghi nhớ các kiến thức liên quan đến sáng tạo và ít đòi hỏi tư duy logic nên thời gian ôn thi Ngữ văn vào buổi sáng là tương đối phù hợp.
Bên cạnh đó, cô Dung lưu ý, để ôn tập hiệu quả, các em chú ý sau 30- 45 phút ôn luyện cần nghỉ ngơi thư giãn 5-10 phút. Nếu cảm thấy quên kiến thức, không nên cố gắng nhớ lại.
“Nguyên tắc của học hiệu quả là quên để nhớ. Các em hãy để cho đầu óc thư giãn, rồi tự kiến thức sẽ ùa về lúc cần huy động. Nếu muốn ôn lại bài thì hãy ôn lại sau đó 10 phút, rồi một ngày, rồi một tuần và một tháng”, cô Dung cho hay.
Bước vào giai đoạn ôn tập, thí sinh cần định hướng rõ ràng những kiến thức cần cho kỳ thi dựa vào cấu trúc đề thi những năm trước và định hướng ôn tập của giáo viên bộ môn. Một nguyên tắc cần lưu ý khác với môn Ngữ văn là đọc và viết thật nhiều.
Nhiều năm ôn thi cho học sinh cuối cấp, cô Dung chỉ ra nhiều học sinh lười đọc và học thuộc tác phẩm mà chỉ chú trọng phân tích hay đọc văn mẫu, bài giảng mẫu. Các em đã quên mất rằng nếu không nắm chắc nội dung tác phẩm thì sẽ không hiểu được hết cái hay của bài.
Do đó, học sinh cần đọc đi đọc lại nhiều lần văn bản, dùng bút nhớ gạch chân những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ quan trọng cần ghi nhớ làm dẫn chứng. Sau khi đọc kĩ tác phẩm, các em có thể chuyển sang đọc lời bình, văn mẫu và học cách dùng từ, hành văn...
“Cùng với đó, các em hãy luyện viết thật nhiều để diễn đạt trôi chảy và tăng khả năng cảm nhận văn chương. Viết đến khi nào cảm xúc tuôn ra đầu ngọn bút thì khi vào phòng thi, các em sẽ rất tự tin với kiến thức và cảm xúc văn chương của mình”, cô Nguyễn Thuỳ Dung động viên thí sinh.