Trẻ em trở thành nạn nhân, mặt trái của mạng xã hội

31/07/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thế giới mạng mang đến nhiều điều kỳ thú, giúp trẻ kết bạn, học hỏi cũng như được hiện thực hóa bản sắc của riêng mình.

Trong một khảo sát vào năm 2022 của UNICEF, trên 994 trẻ em Việt Nam có độ tuổi từ 12 đến 17, có đến 2% trẻ báo cáo tình trạng bị yêu cầu trò chuyện liên quan đến chủ đề tình dục khi bản thân không hề mong muốn; 1% bị yêu cầu chia sẻ clip, ảnh khỏa thân; 5% phải xem những hình ảnh nhạy cảm không mong muốn; 8% nhận được những bình luận khiếm nhã.

Trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) cũng đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về tình trạng trẻ bị xâm hại khi sử dụng mạng Internet. Trong số các cuộc gọi này, Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để giúp đỡ trẻ. Còn trong 5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em đã tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có 30 cuộc gọi liên quan xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Ngoài ra, khảo sát này cũng phát hiện tình trạng trẻ em đối mặt với những yêu cầu phải nộp tiền, quà để chuộc lại những hình ảnh, clip nhạy cảm hoặc bị đe dọa để ép phải thực hiện quan hệ tình dục.

Làm sao để bảo vệ trẻ?

Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự, trong thời gian tới, các vụ xâm hại trẻ em sử dụng mạng xã hội rất phức tạp, khó kiểm soát, phát hiện. Vì vậy, Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo phụ huynh và trẻ em phải tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội, không dễ dãi kết bạn, làm quen; không nhận quà tặng từ những người mới quen qua mạng xã hội.

ThS Vũ Mạnh Tuấn – giảng viên khoa Cảnh sát hình sự, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2 (TPHCM) cho biết, các đối tượng luôn tìm mọi cách có được thông tin của trẻ để dễ tiếp cận. Chẳng hạn, từ những hình ảnh của trẻ, thậm chí là từ những hình ảnh phụ huynh chụp lại giấy khen, áo đồng phục có tên học sinh, tên lớp. Vì vậy, phụ huynh cần cẩn trọng khi tung hình ảnh có liên quan đến thông tin cá nhân của con lên mạng xã hội.

Theo ThS tâm lý Hà Văn Phúc, Trung tâm Kỹ năng sống V-Life, sự tò mò của trẻ em về giới tính, tình dục, đặc biệt là khi trẻ đến tuổi dậy thì sẽ khiến các em dễ bị thu hút bởi các hội nhóm trên mạng xã hội. Những thông tin sai lệch, nhạy cảm, đồi trụy trên mạng xã hội cộng với sự thiếu quan tâm của cha mẹ, thiếu kỹ năng bảo vệ lại càng khiến các em có nguy cơ bị bắt nạt, bị xâm hại. Chính vì vậy, cha mẹ nên đồng hành cùng con lựa chọn các trang mạng phù hợp với độ tuổi, chủ động giải đáp các thắc mắc về giới tính khi con đến tuổi dậy thì.

“Có một xu hướng là để bảo vệ trẻ, nhiều phụ huynh lại không cho con sử dụng điện thoại, máy tính để sử dụng mạng xã hội. Nhưng trẻ em đang trong tuổi phát triển nên không thể không sử dụng mạng Internet để học hành, kết bạn. Vì vậy, bố mẹ nên đồng hành cùng con trên mạng xã hội; chủ động đưa ra các tình huống nguy hiểm khi con sử dụng mạng, cùng con thảo luận cách xử lý và cùng con giải quyết vấn đề. Từ đó, trẻ sẽ học được các kỹ năng tự bảo vệ trên mạng xã hội một cách rất nhẹ nhàng”, ThS Vũ Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Tổ chức quốc tế ChildFund Vietnam cũng đã đưa ra 6 nguyên tắc an toàn trẻ cần nhớ khi sử dụng Internet. Đó là tuân thủ nguyên tắc của gia đình và nhà cung cấp dịch vụ Internet; không bao giờ chia sẻ các hình ảnh mang tính riêng tư; không tiết lộ thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, trường học, địa điểm hay lui tới; không gặp người chỉ quen trên mạng nếu không được cha mẹ, người giám hộ cho phép hoặc hỗ trợ; không trả lời những thông tin đe dọa; báo cho cha mẹ, hoặc người mà bạn tin tưởng nếu có thông tin nào đó làm cho bạn khó chịu.

Một nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Khu vực châu Á có rủi ro xâm hại trẻ em trên mạng cao nhất với tỷ lệ lên đến 33%.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tre-em-tro-thanh-nan-nhan-mat-trai-cua-mang-xa-hoi-post648686.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tre-em-tro-thanh-nan-nhan-mat-trai-cua-mang-xa-hoi-post648686.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ em trở thành nạn nhân, mặt trái của mạng xã hội