Tuy nhiên, một số TikToker lại không đảm bảo tự chủ (tạo điều kiện cho người được tư vấn kiểm soát chính đời mình), thiếu khách quan, gây hại và không sinh lợi (không tạo ra giá trị cho xã hội).
Anh Đức cho biết hướng nghiệp hiện có thể phân làm 2 hướng, bao gồm giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp. Theo đó, nội dung hướng nghiệp do các TikToker xây dựng mới chỉ dừng ở giáo dục hướng nghiệp, đưa thông tin cho số đông, nhưng nhiều thông tin lại thiếu khách quan, không đúng, không truyền tải hết, dẫn đến hệ quả xấu.
“Như vậy, muốn làm chuyên viên hướng nghiệp - nhấn mạnh là chuyên viên chứ chưa phải chuyên gia - TikToker hay bất kỳ ai cần phải trải qua quá trình đào tạo theo chương trình bài bản, không thể tự đứng lên và nói ‘tôi làm hướng nghiệp' được", anh Đức nói.
Anh Minh Đức nhận định muốn làm chuyên viên hướng nghiệp, TikToker hay bất kỳ ai cần phải trải qua quá trình đào tạo theo chương trình bài bản. Ảnh: Linh Thùy. |
Nhận xét về công tác hướng nghiệp tại Việt Nam, TS Mai Đức Toàn nhận định hiện còn nhiều thiếu sót. Trong khi nhiều quốc gia bắt đầu hướng nghiệp từ những năm THCS, Việt Nam lại làm hướng nghiệp từ bậc THPT và đối tượng chính là học sinh lớp 12.
"Việc này hoàn toàn sai. Thời gian hướng nghiệp quá ngắn như vậy không đủ để các em nghiên cứu về ngành nghề cụ thể. Vì vậy, công tác này nên được làm từ sớm", ông Toàn đánh giá.
Đồng quan điểm, ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng học sinh nên được hướng nghiệp càng sớm càng tốt, tốt nhất là từ độ tuổi THCS. Việc chọn ngành sớm có thể giúp gia đình và các em chuẩn bị năng lực học tập từ sớm.
"Bản thân học sinh và phụ huynh cũng cần phải có bàn bạc về nghề nghiệp sớm, tốt nhất là bậc THCS. Đến bậc THPT, đặc biệt là lớp 12 mới bắt đầu đi tìm hiểu thì lúc đó nó quá trễ rồi. Nếu đã trễ như vậy, việc tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp trong những năm THPT phải làm rất kỹ", thầy Nam nói.
Thầy Nam nhấn mạnh công tác tuyển sinh cần có sự phối hợp giữa học sinh, phụ huynh, trường THPT và trường đại học.
Học sinh nên rèn cho mình thói quen tìm hiểu thông tin tốt. Bất cứ ngành học nào cũng có thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Việt giới thiệu về nó. Các em nên kỹ lưỡng trong việc tìm thông tin, nhất là tài liệu trực tuyến để tìm hiểu về ngành, thuận lợi, khó khăn khi theo ngành, các yếu tố cần có…
Ông Nam cho rằng TikTok chỉ nên là kênh tìm hiểu vui về trường, ngành học hoặc để giải đáp ngắn những thắc mắc của học sinh, từ đó xúc tác các em tìm hiểu về trường và ngành thông qua các kênh thông tin khác. Đây không phải là nền tảng tốt để hướng nghiệp.
"Học sinh nếu có điều kiện nên tham khảo thông tin trực tiếp tại các chương trình tư vấn tuyển sinh của các cơ quan báo chí - truyền thông", ông Nam gợi ý.
Đối với những học sinh có cùng mối quan tâm về một ngành nhất định, thầy Nam cũng khuyến khích các em lập nhóm liên hệ trực tiếp với các trường để được hỗ trợ tìm hiểu trực tiếp.
Ngoài ra, các trường THPT, THCS nên kết hợp với hội phụ huynh tạo mối quan hệ với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp sớm cho các em học sinh. Những trường đại học được chọn nên có thế mạnh trong từng khối ngành để giúp các em có thông tin sâu về những ngành muốn tìm hiểu.
"Tôi nghĩ là các trường đại học cũng rất sẵn sàng chia sẻ nhưng không có kênh kết nối. Cuối cùng, học sinh thiếu thông tin về ngành, trường đại học có thông tin nhưng không chia sẻ được. Vì vậy, để hướng nghiệp tốt cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều bên", thầy Nam nhấn mạnh.