Trị cảm mạo đơn giản tại nhà khi thời tiết thay đổi

Phạm Hoa | 11/09/2023, 11:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Do khí hậu trái thường của thời tiết như đang lạnh đột ngột chuyển nắng và ngược lại dễ dẫn đến bệnh cảm mạo. Với những bài thuốc đơn giản sẽ giúp bạn chống lại cảm mạo khi gió mùa về.

cam-mao(1).jpeg
Trị cảm mạo bằng bài thuốc đơn giản tại nhà. 

Cảm mạo là do cảm nhiễm phong tà, được phân thành hai nguyên nhân là cảm mạo phong hàn và cảm mạo phong nhiệt.

Cảm hàn (ngoại cảm phong hàn) có các triệu chứng: Sốt, sợ lạnh, sợ gió, toàn thân đau mỏi, nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi, lưỡi có một lớp rêu màu trắng mỏng.

Cảm nhiệt (ngoại cảm phong nhiệt) có các triệu chứng: Sốt nóng, sợ gió, đầu nặng, ra mồ hôi, ho, đau lưng, đau họng, miệng khô, khát, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng.

Người mắc bệnh nhẹ thường chỉ qua phương pháp ăn uống trị bệnh là có thể khỏi. Người nặng hơn phải phối hợp dược vật trị liệu.

Dưới đây là một số bài thuốc trị cảm mạo có thể làm ngay tại nhà:

Bài 1: Nguyên liệu gồm 2 quả trứng vịt, 50g gừng tươi, 20ml rượu trắng. Gừng tươi rửa sạch, bỏ vỏ, cắt thành sợi, thêm vào 60ml nước rồi nấu sôi. Sau đó đánh tan trứng vịt, cho vào nước gừng quậy đều, thêm rượu trắng, chút muối, đun tiếp 3 - 5 phút thì tắt bếp.

Sử dụng canh trứng này mỗi ngày 1 lần, có thể ăn liên tiếp 3 ngày. Bài thuốc này có tác dụng giải biểu tán hàn, chủ trị cảm mạo với các triệu chứng đau đầu, nghẹt mũi, ho, không ra mồ hôi.

gung-chong-cam.jpeg
Gừng tươi giúp giải cảm mỗi khi gió mùa về.

Bài 2: Nguyên liệu gồm chim sẻ 5 con, gạo tẻ 60g, bột quả mâm xôi 2g, bột dây tơ hồng 2g, bột ngũ vị tử 2g, bột câu kỷ tử 2g, gừng tươi giã nhỏ 5g, hành khô giã nhuyễn 10g muối ăn 2g.

Chim sẻ làm sạch, sào cùng 5 - 10ml rượu, sau đó bỏ gạo thêm nước vào nấu cháo. Khi cháo được thì thêm bột quả mâm xôi, bột dây tơ hồng, bột ngũ vị tử, bột câu kỷ tử, gừng tươi, hành vào, sau cùng thêm muối vào điều vị. Mỗi ngày một lần, có thể ăn liên tiếp 2 - 3 ngày.

Bài thuốc này có tác dụng ích khí trợ dương giải biểu tán hàn. Chủ trị cảm mạo dương hư. Triệu chứng lạnh run, sốt nhẹ, đau người, không ra mồ hôi, tứ chi không ấm.

Bài 3: Tía tô (cả lá và cành), hương phụ mỗi vị 12g, trần bì, gừng cam thảo nam mỗi vị 6g. Cho tất cả vào nồi, đổ 400 ml nước, sắc còn 200 ml, uống lúc còn nóng cho ra mồ hôi. Uống 1 - 3 thang.

Nếu bị đầy bụng, buồn nôn, cho thêm hoắc hương, hậu phác mỗi vị 12g. Bài thuốc này có tác dụng chữa cảm hàn.

Ngoài ra, khi bị cảm mạo còn có thể sử dụng phương pháp đánh gió hoặc xông cũng có tác dụng giải cảm rất tốt. Nguyên liệu dùng để đánh gió có thể lựa chọn: Trứng luộc (lòng trắng), đồng bạc trắng; gừng tươi (củ) và tóc rối, rượu 40 - 60 độ; lá trầu không và dầu tây (dầu hỏa).

Nguyên liệu xông: Lá bưởi, cúc tần, hương nhu, ngải cứu, tía tô, lá sả, lá tre mỗi thứ một nắm bằng nhau, cho vào nồi đậy vung thật kỹ, đun sôi trung vài phút, rồi xông. Khi xông, trùm chăn kín và từ từ mở vung để hơi nóng bốc lên từ từ tránh bỏng. Khi ra mồ hôi và cảm thấy dễ chịu thì ngừng xông không được kéo dài

Do vậy khi bệnh còn đang ở ngoài cơ biểu thì xông và uống phát tán bệnh sẽ lui rất nhanh như đang dập cháy rừng mà gặp mưa rào. Nhưng khi bệnh đã vào sâu bên trong cơ thể thì lại không nên áp dụng phương pháp chữa trị này nữa.

Ngoài ra, dùng thuốc trị cảm mạo cũng cần có thời gian nhất định, không sử dụng kéo dài, không sử dụng khi bệnh đã di chuyển kinh. Do đó, người bệnh cần có sự thăm khám của bác sĩ y học cổ truyền trước khi sử dụng thuốc trị cảm mạo.

Như vậy chỉ với bài thuốc đơn giản tại nhà, bạn sẽ chống lại được bệnh cảm mạo mỗi khi thay đổi thời tiết bất thường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trị cảm mạo đơn giản tại nhà khi thời tiết thay đổi