Trò cảm nhận hạnh phúc ở “ngôi nhà thứ hai”

Đức Trí | 06/03/2022, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với học sinh vùng cao trường học là "ngôi nhà thứ 2". Do đó, tạo nên môi trường giáo dục văn hóa, thân thiết không chỉ góp phần nâng “chất” giáo dục mà học sinh cảm nhận hạnh phúc nơi trường lớp.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang).Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang).

Giáo dục từ học đường văn hóa

Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) với hơn 500 học sinh, 100% thuộc thành phần dân tộc. Dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế tuy nhiên ý thức xây dựng môi trường học đường văn hóa để nâng cao chất lượng giáo dục luôn được nhà trường, thầy cô quan tâm.

Cô Đinh Loan Vân, Hiệu trưởng chia sẻ: Mới nhận công tác tại trường đã nhìn ra hàng loạt công việc để thầy cô giáo chung tay thay đổi diện mạo ngôi trường. Ngay sau đó những góc văn hóa, thư viện ngoài trời, vườn hoa cây cảnh, nhà xe… đều được thiết kế bố trí lại và tự tay thầy cô cùng nhau xây dựng, trang trí, cải tạo đất trồng hoa cây cảnh.

Sau thời gian ngắn khuôn viên học đường sáng đẹp hiện ra trong nỗ lực của cả tập thể nhà trường. Điều thấy ngay từ những nỗ lực ấy chính là học sinh có thư viện ngoài trời sạch đẹp để đọc sách, truyện giờ giải lao;

Những góc văn hóa được khai thác hiệu quả cho các tiết học thực tế ngoài trời; vườn hoa cây cảnh ngoài tạo cảnh đẹp còn được thầy cô linh hoạt ứng dụng vào dạy kiến thức liên quan tới hoa, cây cảnh, cây thuốc…

Từ môi trường học tập văn hóa, thân thiện chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng lên. Học sinh yêu trường lớp, tình trạng bỏ học trốn học cơ bản không còn.

Điều cũng dễ nhận thấy tại ngôi trường vùng cao biên giới này là việc giữ gìn vệ sinh được quan tâm và tạo thành nền nếp. Học sinh khi tới trường vào lớp đều thay dép sạch, tránh tình trạng mang bùn vào lớp. Tình trạng đất bùn lấm lem sàn, tường lớp học, sân trường được cải thiện đáng kể.

Hành lang, sân trường sáng đẹp sạch sẽ. Nhà vệ sinh, phòng bán trú học sinh được thầy và trò dọn dẹp vệ sinh thường xuyên theo lịch. Một không gian học tập và sinh hoạt sạch sẽ, văn hóa được hình thành cũng góp phần nâng cao ý thức của học sinh vùng cao trong việc vệ sinh trường lớp và sinh hoạt. Học sinh được giáo dục toàn diện từ kiến thức tới kỹ năng cuộc sống…

Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố luôn sạch đẹp để giáo dục và giúp học sinh thêm hạnh phúc khi tới trường.

Học trò hạnh phúc ở “ngôi nhà thứ 2”

Xây dựng học đường sạch đẹp, tiện ích… không những giúp học sinh gắn bó trường lớp, mang lại hiệu quả thiết thực trong giáo dục… đang được nhiều trường vùng cao xây dựng hiệu quả.

Tới trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) không khỏi ngỡ ngàng bởi khung cảnh sạch đẹp, thân thiện như bước vào công viên thu nhỏ. Khắp các hành lang tầng lớp học, các chậu hoa phong lữ kép nở đỏ thắm, khu tiểu cảnh trang trí ấn tượng, những bồn rau xanh mướt vừa để học sinh học tập trải nghiệm vừa góp phần cải thiện bữa ăn bán trú...

Thầy Nguyễn Văn Lục, Hiệu trưởng chia sẻ, từ năm học 2017-2018 toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân của trường đã bắt tay vào xây dựng mô hình trường học du lịch. Mục tiêu quan trọng trước tiên được đặt ra khi thực hiện đó là lấy khung cảnh sư phạm trường lớp sạch đẹp để thu hút học sinh tới trường.

“Chỉ khi nào duy trì được tỉ lệ chuyên cần cao, học sinh thích tới trường, chủ động học tập, thích và tự tin hòa mình trong không gian trường lớp… thì khi ấy nhà trường mới có thể nâng “chất” giáo dục toàn diện”, thầy Lục chia sẻ.

Với suy nghĩ đó, nhà trường đã không ngừng chú trọng đầu tư khuôn viên trường lớp sạch đẹp cho tất cả các điểm trường, đặc biệt ở điểm trường chính. Trang bị nhiều đồ dùng, thiết bị trong học tập và sinh hoạt hàng ngày cho học sinh.

Các thầy cô và phụ huynh còn cùng nhau làm lại tường rào, trang trí khung cảnh trường lớp bằng cách đặt hàng trăm chậu hoa tại tất cả hành lang lớp học, dựng hòn non bộ, trang trí lớp học có góc văn hóa dân tộc độc đáo...

Với những nỗ lực hàng năm và đặt học sinh là trung tâm của mọi thay đổi… tới nay chất lượng giáo dục nhà trường đã nâng lên đáng kể. Đặc biệt, học sinh luôn hạnh phúc, tự tin khi học tập sinh hoạt tại trường.

Con đường thổ cẩm do giáo viên tự thiết kế và xây dựng tại Trường PTDTBT TH&THCS Hầu Thào (thị xã Sa Pa, Lào Cai)

Tại Trường PTDTBT TH&THCS Hầu Thào (thị xã Sa Pa, Lào Cai), ban giám hiệu đã lên ý tưởng thiết kế và xây dựng chòi đọc sách cho học sinh. Trên cơ sở đó bố trí thành thư viện ngoài trời để khuyến khích văn hóa đọc trong học trò. Với một không gian đọc sách thoáng mát, thân thiện cũng dã thu hút được học sinh vui chơi, thư giãn đọc sách truyện và nâng cao khả năng tiếng Việt.

Thầy Liễn Tiến Sơn, Hiệu trưởng trao đổi: Công trình đang được triển khai nhanh, đẹp bởi có tới gần 20 thầy cô tình nguyện tham gia, trong đó lực lương nòng cốt là giáo viên chuyên biệt mỹ thuật, âm nhạc…

Bên cạnh xây dựng chòi đọc sách, công trình con đường thổ cẩm cũng được thầy cô nhà trường thiết kế trang trí. Hình ảnh đẹp mắt, màu sắc rự rỡ từ cổng trường đã tạo cảnh quan sạch đẹp, học sinh hứng thú tới trường...

“Tất cả thầy cô đều chủ động, tình nguyện và hạnh phúc với công việc trường lớp bởi ai cũng hiểu rằng khi học sinh gắn bó và hạnh phúc ở ngôi nhà thứ 2 thì các em sẽ yên tâm và hứng thú với học tập. Qua đó nhà trường có cơ hội nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học…” – Thầy Sơn nói.

Cô giáo Đỗ Diệu Hương, người lên ý tưởng và trực tiếp trang trí mỹ thuật chòi đọc sách bày tỏ: Ngoài kiến thức, các thầy cô đều muốn mang tới những không gian văn hóa học đường sạch đẹp, đáp ứng đủ nhu cầu học tập sinh hoạt… của các em. Mang hạnh phúc đến cho học trò đòi hỏi thầy cô thay đổi tư duy giáo dục và bắt đầu từ những việc làm thiết thực…
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trò cảm nhận hạnh phúc ở “ngôi nhà thứ hai”