Trở về nơi xuất phát

Công Chương | 21/03/2022, 07:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với 100% chương trình đào tạo bậc đại học được dạy bằng tiếng Anh, Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM thu hút và thu nhận nhiều giảng viên tốt nghiệp ở các trường nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu.

ThS Đào Trần Hoàng Châu những ngày đi học tại Đại học Nottingham (Anh Quốc).ThS Đào Trần Hoàng Châu những ngày đi học tại Đại học Nottingham (Anh Quốc).

Trong đó có nhiều giảng viên là sinh viên của IU ra nước ngoài học cao học rồi quay trở lại phục vụ chính ngôi trường của mình.

Tìm thấy tình yêu sư phạm

Tốt nghiệp đại học ngành Điện tử - Viễn thông tại IU, sau đó lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Rennes (Pháp), TS Phạm Trung Kiên về làm giảng viên Khoa Điện tử - Viễn thông tại chính ngôi trường mình đã từng học đại học.

Việc các em (Kiên, Quang, Châu, Quốc) quay trở lại làm việc sau quá trình đào tạo là sự gắn bó, thậm chí là yêu mến nhà trường. Chính yếu tố này đưa đến kết quả hoạt động tích cực, nổi bật của các em và còn lan tỏa văn hóa này đến các khóa sinh viên tiếp theo. Tuy có khác nhau về mức độ thành công nhưng đều là những cán bộ trẻ tích cực của trường. - PGS.TS Trần Tiến Khoa (Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế)

Nói về lý cho chọn IU, TS Phạm Trung Kiên cho biết: Ngay khi còn học ở phổ thông, anh đã quan tâm tới các ngành kỹ thuật vì có thế mạnh ở các môn tự nhiên, đồng thời nhận thấy định hướng của đất nước theo công nghệ kỹ thuật để bắt kịp với xu thế của thế giới. Trong thời điểm này, IU nổi lên là trường đại học với mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, tiệm cận với chương trình giáo dục tân tiến nên anh đã không ngần ngại theo học ngành Điện tử - Viễn thông tại đây.

“Trong 5 năm gần đây, IU đã vững bước đi lên với những chương trình được kiểm định chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là động lực tôi quay về công tác tại trường với vai trò giảng viên, nhà nghiên cứu… để tiếp tục cập nhật công nghệ mới và truyền đạt kinh nghiệm, động lực cho các thế hệ tiếp nối…”, TS Phạm Trung Kiên chia sẻ.

Khi trở về công tác tại IU, TS Phạm Trung Kiên cảm thấy rất quen thuộc. Anh nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhà trường trong việc phát triển nghề nghiệp sư phạm cũng như chuyên môn. Những hỗ trợ này là vô giá, đồng thời tạo tiền đề tốt cho anh trong công tác giảng dạy và học thuật.

TS Huỳnh Tấn Quốc trình bày báo cáo tại một hội nghị khoa học quốc tế.

“Trong thời gian công tác giảng dạy, tôi nhận được nhiều sự yêu mến, quý trọng từ sinh viên. Tôi nhận ra nhiệm vụ cao cả của người giảng viên là hướng dẫn các em phát triển bản thân, dù xuất phát điểm, trình độ kiến thức, về khả năng nhận biết học hỏi khác nhau... Chính điều đó đã giúp tôi kiên nhẫn, hướng dẫn sinh viên tận tình và nhiều em đã có thành công ở tương lai…”, TS Phạm Trung Kiên nói thêm.

Tương tự, sau bốn năm học ngành Công nghệ sinh học tại IU (2005 – 2009), Nguyễn Thiên Quang được nhà trường tạo điều kiện để ở lại công tác với vai trò trợ giảng, đồng thời theo học chương trình sau đại học để nâng cao kiến thức. Sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Queensland (Úc), anh quay trở về IU tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình.

“Năm 2014, tôi may mắn xin được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc để tham gia chương trình nghiên cứu sinh tại Đại học Queensland, nơi có những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về lĩnh vực khoa học, nông nghiệp và thực phẩm. Khoa Công nghệ sinh học nói riêng và IU nói chung luôn là nhà đối với tôi, nơi có bao người thân và bạn bè ở đó. Việc trở về IU với tôi khá tự nhiên, giống như rapper Đen Vâu có sáng tác: Đường về nhà là vào tim ta”, TS Nguyễn Thiên Quang chia sẻ.

Lĩnh vực nghiên cứu của TS Nguyễn Thiên Quang là nhân bản thực vật, cụ thể là tạo ra nhiều cây trồng có giá trị cao hơn. “Nếu bạn có một giống cây quý và khó nhân giống, cứ mang đến phòng thí nghiệm của nhóm. Rất có khả năng, sau một thời gian chúng ta sẽ có nhiều bản sao như bạn mong muốn…”, TS Quang chia sẻ.

TS Nguyễn Thiên Quang trong phòng lab.

Cơ hội phát triển không chỉ ở nước ngoài

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Marian University (Mỹ), anh Huỳnh Tấn Quốc về công tác tại Khoa Điện tử - Viễn thông IU. Theo TS Huỳnh Tấn Quốc, gần như 100% tiến sĩ tốt nghiệp tại Mỹ đều được giữ lại làm việc thông qua các chương trình EB1, EB2... Và anh cũng được giáo sư hướng dẫn - hiệu trưởng của trường - kỹ sư Marian University mời ở lại làm giảng viên.

Tuy nhiên, anh quan niệm rằng: Dù là không có nhiều cơ hội để phát triển như bên Mỹ, nhưng là một người Việt, sau nhiều năm học tập, sinh sống ở nước ngoài thì bản thân có thể đóng góp trực tiếp cho đất nước của mình qua học vấn. Mặt khác, trong quá trình làm nghiên cứu sinh, TS Huỳnh Tấn Quốc đạt được nhiều giải thưởng danh giá: Giải Nhất của Hội đồng Kỹ sư và Kiến trúc sư khu vực Washington DC, USA (DCCEAS 2015); Giải thưởng Hennessy Distinguished (2016).

“Thế nên, tôi quyết định quay về nơi đào tạo và giúp đỡ tôi là Khoa Điện tử - Viễn thông Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM. Tôi có thể đem những kinh nghiệm nghiên cứu, công nghệ mới để truyền lại cho sinh viên của ngôi trường mình từng học đại học. Đồng thời, về để khuyến khích những em sinh viên giỏi tiếp tục con đường học tập, nghiên cứu, mai này có thể trở về đóng góp cho đất nước. Ngoài ra, tôi rất mong về Việt Nam cũng tạo được thành công để chứng minh không những ở nước ngoài, mà trong nước cũng có nhiều cơ hội để phát triển…”, TS Huỳnh Tấn Quốc chia sẻ.

Với trường hợp của ThS Đào Trần Hoàng Châu - giảng viên Khoa Công nghệ thông tin IU thì sự lựa chọn có điều kiện hơn. Tốt nghiệp cấp 3 ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng), chị chọn theo học mô hình 2+2 (2 năm trong nước 2 năm du học nước ngoài) tại IU. Sau 2 năm nỗ lực học tập tại IU, chị được chuyển tiếp học đại học và cao học ở Đại học Nottingham (Anh Quốc).

“Tốt nghiệp ở nước ngoài xong về thăm lại trường xưa, niềm đam mê nghề dạy học trong những năm tháng tuổi thơ của tôi được đánh thức. Thầy cô IU đã từng dạy trước đây với các phương pháp giảng dạy mới, thúc đẩy sự phát triển của từng cá nhân sinh viên, cùng với phong cách làm việc vui vẻ, thể hiện sự năng động… khiến tôi không còn cảm thấy băn khoăn về một môi trường làm việc cứng nhắc, bảo thủ mà các sinh viên du học thường hay lo lắng khi quyết định có nên trở về làm việc ở Việt Nam hay không. Đúng lúc này, thầy Trưởng khoa Công nghệ thông tin IU đánh tiếng mời tôi về dạy. Và tôi đã chọn IU để quay về…” - ThS Đào Trần Hoàng Châu chia sẻ cơ duyên về lại trường công tác.

TS Phạm Trung Kiên, TS Nguyễn Thiên Quang, TS Huỳnh Tấn Quốc, ThS Đào Trần Hoàng Châu (từ trái qua).

Thú vị với công việc trồng người

Phàm làm công việc gì cũng vậy, người lao động phải cảm thấy hứng thú mới tạo ra được năng suất vượt trội và trong môi trường giảng dạy thì yếu tố này càng được đề cao. Nói về sự thích thú trong công việc, với TS Nguyễn Thiên Quang là mỗi lần được chia sẻ với sinh viên, cùng với đó là nhìn thấy những ánh mắt tâm đắc, cái gật đầu nhè nhẹ khi khúc mắc học thuật được giải gỡ. Điều đó làm anh thấy hạnh phúc.

“Tôi cũng rất thích nghe sinh viên đặt câu hỏi, vì chính lúc đặt câu hỏi là lúc cả ‘thầy’ và ‘trò’ cùng tư duy. ‘Trò’ càng hỏi nhiều và hỏi hay thì ‘thầy’ càng hạnh phúc”, TS Nguyễn Thiên Quang bộc bạch.

Bên cạnh đó, sự phát triển không ngừng của IU nói chung và Khoa Công nghệ sinh học nói riêng trong suốt hành trình hơn 16 năm cũng là điều mà TS Nguyễn Thiên Quang cảm thấy mình cần cống hiến nhiều hơn nữa. “Sự thú vị trong công việc hiện tại của tôi còn đến từ việc chứng kiến những lớp cựu sinh viên đã và đang gặt hái thành quả đáng khích lệ. Với vai trò là cầu nối giữa thế giới học thuật và thế giới công nghiệp thực tế, tôi nhận thấy khá nhiều khía cạnh cần phát triển hơn cho sinh viên. Hy vọng điều đó sẽ mang lại điều thú vị cho công việc trong giai đoạn tới của tôi”, TS Nguyễn Thiên Quang nói thêm.

Trong khi đó, được làm việc với sinh viên thường xuyên, nhìn các bạn chăm chỉ học tập, ThS Đào Trần Hoàng Châu lại nhớ tới thời sinh viên của mình. “Tôi thật sự thấu hiểu và thông cảm cho những ngày quá tải, bài vở nặng nề, thức đêm làm đồ án của các em. Tôi thấy vui mỗi khi có thể chia sẻ, giúp đỡ tinh thần cho các em vượt qua những ngày tháng khó khăn đó…”, ThS Châu nói.

Với chuyên môn của mình, ThS Đào Trần Hoàng Châu đã hướng dẫn một số nhóm sinh viên vượt qua các vòng thi khởi nghiệp cùng ý tưởng kinh doanh sáng tạo do thành phố hay các hiệp hội thế giới tổ chức và đoạt được giải cao. “Nhìn thành quả của các em, tôi rất hạnh phúc và tin rằng ít nhiều đã truyền được cảm hứng, giúp sinh viên tự tin vào chính mình, tạo tiền đề phát triển sự nghiệp sau này” - ThS Hoàng Châu chia sẻ.

Nói về bốn cựu sinh viên Kiên, Quang, Châu, Quốc, PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng IU - đánh giá: Đây là những sinh viên giỏi, được nhà trường giữ lại và đầu tư phát triển thành đội ngũ thầy, cô giáo - nhà khoa học thế hệ kế tiếp. Đó là kết quả của chính sách phát triển nguồn nhân lực của nhà trường, song song với việc thu hút từ bên ngoài là đào tạo nhân lực nội tại có sẵn từ bên trong.

“Việc các sinh viên đào tạo tại trường và sớm được chấp nhận để đào tạo tại các trường đại học tiên tiến của nước ngoài có nhiều ý nghĩa liên quan đến chuẩn mực chất lượng của nhà trường, đồng thời việc được đào tạo tại nhiều trường đại học sẽ giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện…” - PGS.TS Trần Tiến Khoa nhận định.

Tôi đang nỗ lực hết mình để có thể duy trì, mở rộng các mối quan hệ đối ngoại, làm cầu nối giữa Khoa Công nghệ thông tin của IU và các trường công nghệ thông tin nước ngoài nhiều hơn nữa để có thể giúp sinh viên hiện thực hóa mơ ước của mình giống như mong ước từ ngày còn trẻ của tôi. Với môi trường làm việc khá ôn hòa, bạn bè, đồng nghiệp vui vẻ, thân thiện, hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi cần cũng là điều tôi cảm thấy trân trọng và biết ơn khi làm việc tại IU… - ThS Đào Trần Hoàng Châu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trở về nơi xuất phát