"Địa phương, đơn vị nào nhận vaccine từ nguồn khác không báo cáo Bộ Y tế, không kiểm định theo quy định mà tự tổ chức tiêm thì phải chịu trách nhiệm"- Bộ Y tế nêu rõ trong văn bản.
Cũng theo Bộ Y tế, các Sở Y tế phải đề xuất nhu cầu cần cấp từ nay đến cuối năm để bao phủ đủ mũi cho toàn bộ đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn và nhu cầu vaccine năm 2020. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 20/11/2021.
Sau ngày 20/11, địa phương nào không có đề xuất, được hiểu là không có nhu cầu, Bộ Y tế sẽ không cấp vaccine cho địa phương. Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và nhân dân về việc không đủ vaccine để tiêm chủng do không có đề xuất.
Bộ Y tế sẽ thông báo công khai những địa phương có tiến độ tiêm chủng, tỷ lệ bao phủ vaccine thấp đồng thời trên trang cổng thông tin điện tử Chiến dịch và các phương tiện thông tin đại chúng
Bộ Y tế khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đề nghị Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo Sở Y tế thực hiện. Trong tháng 11, địa phương nào không đảm bảo tỷ lệ phủ vaccine, phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đến chiều ngày 15/11 đã được tiêm là 99.751.224 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.467.940 liều, tiêm mũi 2 là 35.283.284 liều.
Như vậy so với số vaccine đã phân bổ và số lượng đã tiêm thì đến nay vẫn còn khoảng trên 15 triệu liều chưa được sử dụng. Trong khi Bộ Y tế cho biết, từ nay đến tháng 12/2021, lượng vaccine sẽ về nhiều.
Trong thời gian rất nhiều lần Bộ Y tế có văn bản đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine.
Tuy nhiên theo thống kê đến ngày 14/11 vẫn có 9/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Sơn La (45,5%), Thanh Hóa (50,6%), Nam Định (58,2%), Nghệ An (60,0%) và Cao Bằng (63,2%).