Trung Đông và Bắc Phi: Làm gì để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám?

Hải Yến | 28/06/2022, 20:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Một báo cáo cảnh báo việc các trường đại học chất lượng cao vắng bóng ở Trung Đông và Bắc Phi. Báo cáo cũng chỉ ra mối lo ngại về triển vọng việc làm trong tương lai, đang gây ra tình trạng “chảy máu chất xám” ra khỏi khu vực. Điều này đang khiến nhà chức trách phải tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng các trường đại học.

Thiếu trường học chất lượng

Nghiên cứu của nhóm kinh doanh Majid Al Futtaim (UAE) và Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (Mỹ) cho thấy, 8% sinh viên đại học trên thế giới đến từ Trung Đông, Bắc Phi và Pakistan nhưng chỉ có 1,5% các trường đại học tốt nhất được tìm thấy ở khu vực và quốc gia này.

Theo báo cáo trên, sự khan hiếm tương đối của các trường chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của những người xuất sắc nhất khu vực đã dẫn đến việc nhiều người “bỏ đi du học và trong nhiều trường hợp, họ không trở về nước”.

Tiến sĩ Frederic Schneider là nhà kinh tế và giảng viên tại Đại học Birmingham ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE). Là người nghiên cứu các vấn đề liên quan đến giáo dục và dân số trong khu vực, ông cho biết, một số quốc gia đang chuyển sang tăng cường phát triển hệ thống giáo dục của mình để giữ chân người lao động trong tương lai.

Theo ông, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên tri thức ở UAE đã “diễn ra một phần” khi họ phát triển một số trường đại học chất lượng cao. Tuy nhiên, khu vực này vẫn cần đạt được tiến bộ trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển để khuyến khích sự đổi mới cũng như tạo thêm việc làm.

Việc UAE tăng cường tài trợ cho giáo dục đại học cũng có thể giúp làm cho hệ thống giáo dục trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân ở đây và khuyến khích nhiều người ở lại nước mình để học lấy bằng cấp.

“UAE chi rất nhiều tiền cho xây dựng các dự án hướng đến du lịch, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sự tập trung này chuyển sang nghiên cứu và giáo dục đại học chất lượng. Các trường đại học chất lượng hơn cũng đang phát triển ở Ả-rập Xê-út, nhưng ở Ai Cập, người trẻ cảm thấy đang bị thiếu cơ hội. Trong khi các quốc gia Bắc Phi khác không có các trường đại học chất lượng để giữ chân hầu hết những người trẻ tuổi tài năng.

Một số nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC) cảm thấy vấn đề thất nghiệp rất đáng lo ngại vì nó là yếu tố khiến người dân rời đi. Trong khi các quốc gia như Algeria, Tunisia, Morocco… vẫn không có đủ kinh phí và năng lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến một mức độ phù hợp” - Tiến sĩ Schneider nói.

Trung Đông và Bắc Phi: Làm gì để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám? ảnh 1

Học viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ được xếp hạng số 1 trên thế giới trong danh sách các trường được sinh viên quốc tế lựa chọn.

Hướng ngoại để tìm nơi học tập

Ông David Hawkins là người sáng lập và Giám đốc công ty có tên The University Guys ở Trung Đông. Công ty gồm các chuyên gia nhằm giúp sinh viên lựa chọn và nộp đơn vào các trường đại học. Ông cho biết, nhiều sinh viên trong khu vực muốn ra nước ngoài đã tìm đến công ty của ông để được hỗ trợ. Sinh viên Trung Đông thường tìm đến các quốc gia nói tiếng Anh, đặc biệt là Mỹ, Anh, Canada và Úc để học đại học. Tuy nhiên, điều này không phản ánh bức tranh tổng thể.

Ở một số quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Lebanon và Syria, sự bất ổn đã khiến những người muốn làm việc trong một nền kinh tế dựa trên tri thức phải ra đi.

Báo cáo trên cũng dự báo tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi từ năm 2020 đến 2040 là 55%. Theo đó, 120 triệu thanh niên sẽ tham gia thị trường việc làm. Ngoài ra, thị trường lao động sẽ có những thay đổi và những người trong độ tuổi lao động sẽ cần nhiều trình độ và kỹ năng hơn trong những năm tới.

Do sự xuất hiện của các công nghệ mới nên số việc làm yêu cầu lao động có trình độ đại học sẽ cao hơn vào năm 2030. Ngoài ra, sẽ có nhiều công việc hơn đòi hỏi các kỹ năng về kinh tế, xã hội và công nghệ.

Báo cáo trên cũng cảnh báo rằng công nghệ tự động hóa có thể thay thế gần 29 triệu việc làm, hoặc gần 1/5 tổng thị trường lao động vào năm 2030.

Trung Đông và Bắc Phi: Làm gì để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám? ảnh 2

Đại học Harvard của Mỹ đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng toàn cầu về độ tín nhiệm của sinh viên.

Nỗ lực thu hút nhân tài

Trong khi nêu lên mối lo về sự ra đi của những người trẻ tuổi, các quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã có kế hoạch để thu hẹp khoảng cách với nước ngoài. Báo cáo trên cũng ghi nhận, một số quốc gia trong khu vực đã “có tiến bộ lớn trong việc thu hút nhân tài từ các nước khác”.

Ví dụ, UAE đã nhắm mục tiêu vào “tài năng có tay nghề cao” và họ đã chứng kiến dân số của mình tăng từ 3,5 triệu người năm 2000 lên gần 10 triệu người hiện nay.

Theo báo cáo trên, UAE đã đưa ra các sáng kiến bổ sung như thị thực vàng để bảo đảm những tài năng đến đây sẽ ở lại lâu dài.

Đồng thời, việc nuôi dưỡng và nâng cao tay nghề cho tài năng trong nước và các nhà lãnh đạo tương lai sẽ là chìa khóa để mở ra một tương lai kinh tế thịnh vượng cho khu vực.

Tuy nhiên, trong toàn khu vực lại đang có nhu cầu bức thiết về tạo việc làm trong khi đây cũng là yếu tố để thu hút nhân tài. Ví dụ, dân số thanh niên ngày càng tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao, ở mức 9,2% vào năm 2020, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 5,4%.

Báo cáo trên cũng kêu gọi việc tự do đi lại của con người và hàng hóa vì điều này được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiến sĩ Schneider của Đại học Birmingham ở Dubai (UAE) cho biết, việc thiếu các cơ sở giáo dục chất lượng cao trong nước đi cùng với nhu cầu được học tập tốt hơn chắc chắn sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.

Theo NA
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Đông và Bắc Phi: Làm gì để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám?