Trung Quốc điều đội tàu hùng hậu đến Nam Cực xây trạm nghiên cứu

02/11/2023, 21:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trung Quốc lần đầu tiên cử 3 tàu hỗ trợ xây dựng trạm nghiên cứu thứ 5 của nước này ở Nam Cực.

Ngày 1-11, hai tàu phá băng và một tàu chở hàng của Trung Quốc (TQ) với tổng cộng hơn 460 người lên đường đến Nam cực hỗ trợ xây dựng trạm nghiên cứu thứ 5 của TQ ở khu vực này, theo báo China Daily.

Đội thám hiểm khoa học Nam Cực thứ 40 – bao gồm hai tàu phá băng Xuelong và Xuelong 2 cùng tàu chở hàng Tianhui, sẽ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng trạm trên đảo Inexpressible gần Biển Ross - một vịnh sâu ở Nam Đại dương được đặt theo tên nhà thám hiểm người Anh thế kỷ 19.

Trung Quốc điều đội tàu hùng hậu đến Nam Cực xây trạm nghiên cứu - 1

Một trong ba tàu trong Đội thám hiểm khoa học Nam Cực thứ 40 của Trung Quốc. Ảnh: CHINA

Đây là lần đầu tiên TQ điều 3 tàu hỗ trợ sứ mệnh nghiên cứu ở Nam Cực, theo China Daily.

China Daily dẫn lời ông Long Wei, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Bắc Cực và Nam Cực TQ thuộc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên TQ, cho biết trạm thứ 5 ước tính có sức chứa 80 người vào mùa hè và 30 người vào mùa đông.

Theo ông, trạm mới này sẽ đóng vai trò then chốt trong công tác quan sát, giám sát và nghiên cứu khoa học đa ngành về môi trường khí quyển, môi trường cơ bản biển, hệ sinh thái biển và các khu vực khác.

Đội thám hiểm sẽ khảo sát toàn diện Vịnh Prydz, Biển Cosmonauts, Biển Ross, Biển Amundsen và vùng nước ven biển quanh Bán đảo Nam Cực, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu sâu về vai trò của Nam Cực đối với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đội thám hiểm cũng sẽ có các hoạt động hợp tác về hậu cần với Mỹ, Anh, Úc, Nga và một số nước khác.

TQ đã có 4 trạm nghiên cứu ở Nam Cực, được xây dựng từ năm 1985 đến năm 2014. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS – một cơ sở nghiên cứu có trụ sở ở Mỹ) – dự đoán trạm thứ 5 của TQ, được khởi công năm 2018, có thể được hoàn thành trong năm tới, hãng Reuters đưa tin.

Trong một báo cáo công bố đầu năm nay, CSIS cho biết trạm mới của TQ, vốn bao gồm một đài quan sát và trạm vệ tinh mặt đất, nằm ở vị trí có thể thu thập tín hiệu tình báo từ Úc và New Zealand, cũng như tín hiệu từ xa của Trung tâm Vũ trụ Arnhem mới của Úc.

Phía TQ bác bỏ thông tin cho rằng các trạm này sẽ được sử dụng để do thám, theo Reuters.

Bài liên quan
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở lại châu Âu
Các nhà lãnh đạo Hungary và Serbia là những người ủng hộ mạnh mẽ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc điều đội tàu hùng hậu đến Nam Cực xây trạm nghiên cứu