Trung Quốc thống trị đất hiếm khiến chuỗi cung ứng của Mỹ dễ tổn thương

Hữu Hiển | 28/08/2023, 12:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai trong một cuộc phỏng vấn độc quyền hôm 26/8 với kênh CNBC cho biết, sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm khiến chuỗi cung ứng của Mỹ dễ bị tổn thương.

Kim loại đất hiếm được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao như động cơ ô tô điện. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã phát triển năng lực xử lý kim loại - mang lại cho nước này sức mạnh định giá to lớn trong một thị trường toàn cầu quan trọng.

Trung Quốc thống trị đất hiếm khiến chuỗi cung ứng của Mỹ dễ tổn thương - Ảnh 1.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: CNBC

"Điều tôi muốn nhấn mạnh không chỉ là những điểm dễ bị tổn thương xung quanh các khoản đầu tư [ở nước ngoài] của Trung Quốc, mà thực tế là vị trí thống trị của Trung Quốc trên thị trường thế giới hiện nay về [đất hiếm] có nghĩa là nước này có thể bật vòi và tắt vòi đi", bà Tai nói.

Đại diện Thương mại Mỹ cho biết: "Và cho đến khi chúng tôi có thể tiếp cận và tạo ra các chuỗi cung ứng bổ sung, chúng tôi vẫn hoàn toàn dễ bị ảnh hưởng bởi đòn bẩy thị trường đó."

Bà Tai chỉ ra rằng, khoảng một thập kỷ trước, Trung Quốc đã tăng giá đất hiếm cao đến mức một số mỏ của Mỹ có thể hoạt động trở lại, nhưng rồi lại phải đóng cửa khi Trung Quốc giảm giá.

Mỹ nắm giữ phần lớn thị phần trên thị trường kim loại đất hiếm trước những năm 1980. Nhưng chi phí lao động ở nước ngoài thấp hơn cũng như ít áp lực hơn về tiêu chuẩn môi trường đã khiến ngành công nghiệp đất hiếm rời khỏi nước Mỹ.

Trong khi đó, Bắc Kinh hỗ trợ ngành này.

"Lợi thế về sự thống trị của Trung Quốc không nhất thiết là lợi thế tự nhiên. Không phải là họ có nhiều đất hiếm hơn, mà là họ có thể theo đuổi các chính sách công nghiệp và thương mại kết hợp cho phép họ chiếm lĩnh thị trường", bà Tai nói.

Theo CNBC, Chính phủ Trung Quốc đặt ra các kế hoạch kinh tế ít nhất 5 năm một lần, với một số mục tiêu – như thúc đẩy khả năng tự cung cấp về công nghệ và đạt được mục tiêu trung hòa carbon – được đặt ra trước nhiều năm.

Mặc dù việc lập kế hoạch từ trên xuống như vậy không đảm bảo sẽ đạt được kết quả nhưng ngành công nghiệp ô tô điện đã trở thành một ví dụ về việc ngành công nghiệp Trung Quốc có thể chiếm được thị phần đáng kể trên toàn chuỗi cung ứng, bao gồm cả sản phẩm cuối cùng.

Mức độ phụ thuộc của Mỹ vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã lên hàng đầu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và càng tăng tốc khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố các sáng kiến trị giá hàng tỷ USD nhằm khuyến khích các công ty phát triển và sản xuất các công nghệ quan trọng ở Mỹ.

Bà Tai nói với CNBC rằng: "Vị trí của chúng tôi trong chuỗi cung ứng ngày nay không phải là vị trí mà chúng tôi mong muốn. Chúng tôi biết rằng chúng tôi dễ bị tổn thương. Vị trí mà chúng tôi muốn có là nơi mà chuỗi cung ứng của chúng tôi đa dạng hơn, nơi chúng tôi tin tưởng hơn vào chúng, nơi chúng tôi có nhiều lựa chọn hơn."

Với trường hợp đất hiếm, bà Tai chỉ ra rằng, Trung Quốc độc quyền trên thị trường toàn cầu. Bà lưu ý rằng, với trường hợp sản xuất lithium của Australia, Trung Quốc cũng là người mua duy nhất, mang lại cho Bắc Kinh một đòn bẩy thị trường khác.

Theo CNBC, mặc dù lithium là thành phần chính của pin ô tô điện nhưng nó không phải là một trong 17 kim loại được phân loại một cách khoa học là đất hiếm.

Năm nay, các quan chức chính phủ Mỹ và châu Âu đã bàn về việc giảm rủi ro hoặc giảm mức độ phụ thuộc vào chỉ mỗi Trung Quốc. Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu vào tháng 6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, giảm thiểu rủi ro là một đề xuất sai lầm vì lợi ích kinh tế toàn cầu rất gắn bó.

Trung Quốc thống trị đất hiếm khiến chuỗi cung ứng của Mỹ dễ tổn thương - Ảnh 2.

Khoảng một thập kỷ trước, Trung Quốc đã tăng giá đất hiếm cao đến mức một số mỏ của Mỹ có thể hoạt động trở lại, nhưng rồi lại phải đóng cửa khi Trung Quốc giảm giá. Ảnh: CNBC

Thỏa thuận thương mại 'giai đoạn một'

Theo CNBC, ngay trước khi đại dịch bắt đầu, Mỹ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thương mại "giai đoạn một", kêu gọi Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa của Mỹ như một cách để bù đắp thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc.

Khi được hỏi về vai trò của thỏa thuận này, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, Mỹ vẫn đang xem xét những gì còn thiếu của Trung Quốc trong việc đáp ứng các mục tiêu mua hàng đó.

Bà Tai cho biết, một khía cạnh khác của cuộc thảo luận đó là mức độ "mất cân bằng" trong thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Dữ liệu chính thức của Mỹ cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc đã tăng 8,3%, lên 382,9 tỷ USD vào năm 2022.

Quan hệ Mỹ - Ấn Độ

Theo CNBC, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong vài năm qua, bắt đầu từ thương mại và lan sang các lĩnh vực công nghệ và tài chính.

Do vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở Ấn Độ, trong khi mối quan hệ giữa nước này với Mỹ cũng ngày càng được cải thiện.

Hôm 26/8, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng đã gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal và nêu lên mối lo ngại về các yêu cầu liên quan đến giấy phép nhập khẩu của Ấn Độ đối với thiết bị công nghệ.

Bà Tai nói với CNBC rằng, trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, tiềm năng hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ luôn có, nhưng trước đây "chúng tôi không thể tìm ra cách khai thác nó".

Bài liên quan
Dự báo bão Bebinca đổ bộ theo hướng khác thường, Trung Quốc ban bố cảnh báo
Bão Bebinca đã di chuyển ra khỏi khu vực đảo Amami của Nhật Bản và đang băng qua biển Hoa Đông, theo Kyodo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc thống trị đất hiếm khiến chuỗi cung ứng của Mỹ dễ tổn thương