Các nhà khảo cổ Trung Quốc gần đây đào được nhiều cổ vật quý hiếm thời nhà Minh trong quá trình trùng tu một đoạn Vạn Lý Trường Thành.
Một phần tác phẩm điêu khắc hình rồng thời nhà Minh được các nhà khảo cổ tìm thấy.
Trong dự án trùng tu Vạn Lý Trường Thành ở đoạn Jiankou, các nhà khảo cổ Trung Quốc đào được một phần tác phẩm điêu khắc hình rồng. Khu vực này từng là nơi đặt tháp canh vào thời nhà Minh (1368 - 1644).
Nhóm khảo cổ cũng tìm thấy nhiều hiện vật giá trị như một khẩu đại bác châu Âu và các đồ dùng cá nhân của binh sĩ thời Minh. Với những phát hiện mới, nhóm khảo cổ dự định tiếp tục đào sâu hơn để tìm kiếm cổ vật và tìm hiểu cách tháp canh này hoạt động cách đây hơn 600 năm.
Hoạt động khai quật do các nhà khảo cổ đến từ Viện Khảo cổ học Bắc Kinh thực hiện vào ngày 30/5/2024 ở một đoạn Vạn Lý Trường Thành, cách Bắc Kinh khoảng 96km về phía bắc.
Một khẩu đại bác có nguồn gốc từ châu Âu, tương tự với loại mà các nhà khảo cổ Trung Quốc tìm thấy ở Vạn Lý Trường Thành.
Khai quật ở khu vực xưa kia từng là tháp canh, nhóm khảo cổ đào được một tảng đá được chạm khắc hình ảnh vảy rồng. Tiếp tục khai quật, nhóm khảo cổ tìm thấy hình chạm khắc mô tả đuôi, móng vuốt và đặc biệt là phần đầu của một con rồng bằng đá.
Các nhà khảo cổ cũng đào được một khẩu đại bác màu đen có nguồn gốc từ châu Âu. Đây là khẩu đại bác đầu tiên được tìm thấy ở khu vực này của Vạn Lý Trường Thành. Vào thời Minh, đại bác của Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ bằng nhiều cách khác nhau đã du nhập vào Trung Quốc. Phần lớn được đặt trên tàu chiến, bố trí ở các vùng duyên hải ven biển. Số khác được chuyển tới các khu vực phòng thủ khác nhau ở Vạn Lý Trường Thành.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng tìm thấy những vật dụng mà binh lính sống trong tháp sử dụng như công cụ, chốt cửa, thìa và xẻng.
Các nhà khảo cổ cho biết, tác phẩm điêu khắc hình rồng có thể là vật trang trí thuộc phần mái của tháp canh. Đoạn Jiankou thuộc Vạn Lý Trường Thành được xây dựng vào thời nhà Minh. Do đó, tác phẩm điêu khắc hình rồng này có niên đại cùng thời kỳ.
"Có thể thấy người thời Minh đã khắc hình rồng một cách rất chi tiết, từ phần vảy cho đến miệng, mắt và mũi rồng", nhà khảo cổ Shang Heng nói. "Có thể tưởng tượng, vào thời Minh, tháp canh được xây dựng rất cao, các chi tiết kiến trúc cũng rất tinh xảo".
"Công trình này có vai trò quan trọng trong việc phòng thủ ở vùng biên cương. Dựa trên các thành phần kiến trúc phức tạp, có thể đánh giá sơ bộ rằng những binh lính sống ở tháp canh này đều có cấp bậc cao", nhà khảo cổ này nói.
Sau khi nhà Minh sụp đổ, tháp canh này đã bị bỏ hoang và bị tự nhiên chôn vùi sau hàng trăm năm. Khám phá trên mang ý nghĩa đáng kể vì nó giúp các nhà khảo cổ tìm hiểu thêm về cuộc sống thời xưa ở Trung Quốc.