Năm 2023, số lượng nhà giáo được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của ĐH Đà Nẵng tăng gấp đôi so với năm 2022. Tuy nhiên, cả 18 nhà giáo đều chỉ đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, không có GS nào bổ nhiệm mới.
ĐH Đà Nẵng có nhiều nỗ lực đào tạo tiến sĩ, nâng cao số lượng GS, PGS bằng giải pháp đào tạo sau đại học, các công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín WoS/Scopus. Chỉ tính riêng năm học 2022 - 2023, trường thành viên, đơn vị trực thuộc ĐH Đà Nẵng thực hiện hơn 100 đề tài khoa học công nghệ các cấp đem lại những kết quả, tri thức, sản phẩm khoa học và ứng dụng mới, công bố hơn 500 bài báo khoa học trên tạp chí uy tín quốc tế (WoS, Scopus, tăng 8% so với năm học trước).
Tỷ lệ số công bố quốc tế (WoS, Scopus) đạt 0,6 bài/tiến sĩ; Mức độ ảnh hưởng khoa học thể hiện qua các chỉ số trích dẫn trên Google Scholar và H-Index tăng gần 2 lần; Chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm nghiên cứu cho các địa phương, doanh nghiệp và phục vụ cộng đồng với tổng kinh phí đạt gần 70 tỷ đồng.
Theo báo cáo công khai của các đơn vị trong cả nước cho thấy, số GS, PGS tập trung ở cơ sở giáo dục đại học, đơn vị có truyền thống như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Vinh.
“Các ứng viên từ các trường ĐH ngoài công lập trong 5 năm trở lại đây tăng lên, nhưng chiếm tỷ trọng thấp. Điều này cho thấy các GS, PGS đang giảng dạy tại đây chủ yếu vẫn là những người đã nghỉ hưu từ các cơ sở công lập”, GS.TS Trần Văn Nam nhận xét.
Vì vậy, các trường ở khu vực miền Trung muốn trở thành đại học “đúng nghĩa” thì ngoài đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, phải có đào tạo sau đại học.
Ngoài ra, cần có chính sách hấp dẫn để thu hút giảng viên là GS, PGS đến công tác. Đây là con đường bền vững nhất bởi nếu không đủ số lượng GS, PGS cơ hữu thì các trường đại học không thể mở ngành đào tạo sau đại học. Những GS khi nghỉ hưu, dù được trường đại học tiếp tục ký hợp đồng lao động nhưng không được tính giảng viên cơ hữu mà chỉ là công tác theo dạng thỉnh giảng.
Những ứng viên sau khi được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn, mà không cơ sở giáo dục đại học nào bổ nhiệm thì chưa được gọi là GS, PGS. Theo lý giải của GS.TS Trần Văn Nam, “Nhà nước cũng mong muốn các ứng viên không được bổ nhiệm ở các đại học lớn, có thể về đại học tại địa phương đăng ký bổ nhiệm làm GS, PGS. Tuy nhiên việc này, trong các năm qua chưa có kết quả vì tất cả đơn vị đều “khát” GS, PGS”.